(HNM) - Sáu tháng sau khi sự nghiệp chính trị 23 năm lẫy lừng kết thúc bằng cuộc chạy trốn sang Saudi Arabia, Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali và bà vợ nhiều điều tiếng Leila Trabelsi đã nhận bản án 35 năm tù giam cho mỗi người từ tòa án đất nước Bắc Phi.
Trong phiên xét xử vắng mặt, các công tố viên khẳng định nhà lãnh đạo bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hoa nhài hồi tháng 1 vừa qua đã phạm các tội danh tham nhũng và biển thủ công quỹ.
Với phán quyết này, cánh cửa trở lại quê hương của ông Ben Ali gần như đã khép chặt. Hồi kết không gây bất ngờ dành cho cựu Tổng thống quyền lực một thời được xem là đã được báo trước trong những năm tháng lãnh đạo của ông.
Sinh ra trong một gia đình trung lưu gần thành phố Sousse của Tunisia ngày 3-9-1936, con đường học vấn của ông Ben Ali khá đặc biệt. Chưa hề tốt nghiệp trung học, song cựu Tổng thống Tunisia đã hoàn tất chương trình đào tạo về tình báo và pháo binh tại Pháp trước khi tiếp tục theo học hai ngành này ở Maryland và Texas (Mỹ). Ông bắt đầu tham gia quân đội vào năm 1964 và sau đó là lĩnh vực ngoại giao khi làm Đại sứ Tunisia tại Ba Lan vào năm 1980. Thế nhưng, Ben Ali chỉ thực sự bước vào chính trường năm 1987 khi trở thành Thủ tướng Tunisia. Một thời gian ngắn sau đó, vị Tổng thống đầu tiên của Tunisia độc lập Habib Bourguiba bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu với tuyên bố ông không còn đủ minh mẫn để lãnh đạo đất nước. Kể từ đó, công danh đến với Ben Ali như diều gặp gió. Với những cam kết đưa đất nước theo con đường dân chủ, ông đã không mấy khó khăn vượt qua hai cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1989 và 1994. Khi cuộc lựa chọn người đứng đầu đất nước với sự tham gia của nhiều chính đảng đầu tiên diễn ra vào năm 1999, một sự tin tưởng tuyệt đối vẫn được dành cho nhà lãnh đạo Ben Ali. Ông đã chiến thắng thuyết phục với đa số áp đảo. Mặc dù Hiến pháp Tunisia đã thay đổi hai lần nhưng chiếc ghế Tổng thống của ông Ben Ali không hề suy suyển khi tiếp tục là người giành được chiếc vé vào Phủ Tổng thống năm 2009 với số phiếu bầu xấp xỉ 90%.
Dẫu dưới sự lãnh đạo của Ben Ali, đất nước Bắc Phi đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ, nhưng cùng với đó là tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng trong lực lượng thanh niên và phần lớn người dân nước này vẫn sống ở mức nghèo khổ. Dưới bề mặt của nền kinh tế được xem là con hổ châu Phi, tình trạng tham nhũng cũng trở nên nghiêm trọng. Trong đó, người vợ thứ hai của ông Ben Ali, bà Leila Trabelsi đã gây bất bình lớn trong dân chúng với vai trò chủ đạo khi "hô biến" những thành quả của nền kinh tế đất nước thành tài sản riêng của gia đình.
Không ai biết chính xác người thợ cắt tóc mà Tổng thống Ben Ali lấy làm vợ 5 năm sau khi lên nắm quyền đã đứng tên bao nhiêu tài sản. Có thông tin cho rằng gia đình này kiểm soát khoảng 30% đến 40% kinh tế đất nước trên các lĩnh vực từ ngân hàng, bảo hiểm, phân phối, vận tải, du lịch đến bất động sản... Song, chắc chắn rằng đây là một đế chế tài chính có ảnh hưởng sâu rộng và đang là mục tiêu của một cuộc điều tra quốc tế. Các quan chức Tunisia muốn thu lại toàn bộ của cải thuộc gia tộc tham nhũng này. Tuy nhiên, một lượng lớn tài sản chìm khổng lồ của nhà Leila đã được ký thác hoặc đầu tư ra nước ngoài tại Pháp, Thụy Sĩ, Argentina và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Cũng có thông tin cho hay, Leila Trabelsi đã kịp lấy đi rất nhiều vàng khối từ Ngân hàng trung ương Tunisia ngay trước khi bỏ trốn khỏi đất nước.
13 thành viên của gia tộc Ben Ali - Trabelsi đã bị bắt trong khi vợ chồng cựu Tổng thống và 6 người khác đang là mục tiêu bắt giữ của Interpol. Kể cả điều này có xảy ra hay không thì cuộc đời vinh hoa phú quý bậc nhất của nhà lãnh đạo Tunisia một thời cũng đã khép lại bằng cuộc sống lưu vong nơi đất khách quê người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.