Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng Lãnh sự quán VN tại Nam Ninh: “Bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm“

Theo VOV| 04/02/2018 12:05

Tổng lãnh sự quán giữ liên hệ công tác chặt chẽ với Cục lãnh sự, các cơ quan trong nước và các cơ quan của tỉnh Quảng Tây phối hợp xử lý vụ việc phát sinh kịp thời, hiệu quả.


“Hiện nay, số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Quảng Tây khá lớn, chưa có con số thống kê chính thức song ước vào khoảng vài chục ngàn người, có thể chia làm một số nhóm theo hoàn cảnh và đặc điểm khác nhau”- ông Hoàng Văn Vinh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết.

Theo ông Vinh, nhóm thứ nhất là số bà con sang từ rất lâu, những năm 1950-1960 và sau này, số lượng không còn nhiều, phần lớn đã già yếu, có cuộc sống cơ bản tốt, con cái đều đã có cuộc sống ổn định ở Trung Quốc. Số bà con này tuy ít có điều kiện về Việt Nam nhưng bà con vẫn gắn bó và thiết tha hướng về quê hương đất nước, rất tình cảm và tích cực tham gia nhiều hoạt động, nhất là hoạt động thiện nguyện hướng về Tổ quốc.

Ông Hoàng Văn Vinh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc)


Nhóm thứ hai, là số bà con sang Quảng Tây lấy chồng và sinh sống từ một vài chục năm lại đây. Họ chiếm số lượng nhiều nhất, trình độ văn hóa rất khác nhau, lấy chồng với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều trường hợp bất hợp pháp. Hiện nay, họ sống rải rác ở các huyện, thị ở Quảng Tây, được chính quyền địa phương tạo điều kiện để làm giấy tờ hợp thức hóa nên yên tâm với cuộc sống ở đây và ngày càng hòa nhập với cộng đồng người địa phương, có cuộc sống tương đối ổn định. Trong số đó, cũng có một số ít bà con làm ăn tốt.

Nhóm thứ 3, là các sinh viên Việt Nam. Hiện có hơn 3.100 lưu học sinh, chiếm hơn 1/3 tổng số lưu học sinh học tại Trung Quốc. Các em đều có thành tích học tập tốt, năng động, tạo được thiện cảm với người dân địa phương, đóng góp tích cực vào công tác chung của cộng đồng như hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, văn nghệ… nên được nhà trường, chính quyền sở tại đánh giá cao.

Cũng chính từ những hoạt động này, nhiều tài năng âm nhạc, ca hát được phát hiện và được trường hỗ trợ, đào tạo bài bản. Sau này, nhiều em khi trở về nước đã tiếp tục phát huy được thế mạnh.

Nhóm thứ tư, là số người Việt Nam sang Quảng Tây để lao động mùa vụ, có cả chục ngàn người, chủ yếu ở các địa phương giáp biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn. Phần lớn họ đi theo chương trình được chính quyền địa phương hai bên tạo điều kiện, cho phép làm thí điểm tại một số khu kinh tế gần biên giới, điều kiện cuộc sống, lao động được đảm bảo hơn trước đây khi đi làm tự do, ít xảy ra vụ việc.

Họ cũng có đóng góp không nhỏ nhân lực thiếu hụt cho một số ngành kinh tế của Quảng Tây. Tuy nhiên, do điều kiện làm ăn nên không thường xuyên tham gia các hoạt động chung của cộng đồng Việt kiều.

PV: Người Việt Nam khi xa Tổ quốc luôn hướng về quê hương và có nhiều hoạt động hướng về trong nước. Vậy người Việt ở Quảng Tây thường có những hoạt động gì để gắn kết với quê hương?


Ông Hoàng Văn Vinh: Mặc dù cộng đồng người Việt ở Quảng Tây rất tích cực hòa nhập với xã hội ở đây song luôn gắn bó, luôn hướng về quê hương, giữ gìn văn hóa Việt. Thông qua vai trò của Ban liên lạc Việt kiều, Hội cô dâu trẻ, Hội lưu học sinh… người Việt ở đây có nhiều hoạt động tích cực mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tết Cộng đồng tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh


Hội cô dâu trẻ đã vận động được nhiều chị em tham gia tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em. Lưu học sinh Việt Nam tại Quảng Tây cũng hoạt động rất tích cực tham gia các phong trào hướng về đất nước như Tết cộng đồng, phong trào từ thiện do Tổng Lãnh sự quán tổ chức, phát động; tổ chức ngày văn hóa Việt Nam tại Đại học Quảng Tây, tái hiện những trò chơi dân gian đặc sắc văn hóa Việt, lôi cuốn đông đảo du học sinh các nước tham gia; các chương trình văn hóa nghệ thuật hằng năm; quyên góp, tham gia dự án “Cơm có thịt vì tương lai trẻ thơ Tây Bắc”, ủng hộ đồng bào bị bão lụt, gặp khó khăn, với số tiền hàng chục triệu đồng. Riêng năm 2017 đã quyên góp được khoảng 40 triệu đồng.

Tổng lãnh sự quán luôn cố gắng kết nối, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, đùm bọc; duy trì gặp gỡ, giao lưu với bà con Việt kiều, vừa để động viên, thăm hỏi vừa để kêu gọi họ tham gia các hoạt động văn hóa để luôn nhớ về Tổ quốc, góp phần gìn giữ văn hóa Việt ở sở tại.

PV: Quảng Tây là địa phương lưu giữ rất nhiều địa chỉ đỏ ghi dấu thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại Quảng Tây. Vậy Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đã có những hoạt động và phối hợp với phía bạn như thế nào để lưu giữ, phát huy các giá trị lịch sử này?

Ông Hoàng Văn Vinh: Nhiều huyện, thị của Quảng Tây như Trịnh Tây, Quế Lâm, Liễu Châu, Nam Ninh… ghi dấu nơi Bác Hồ có nhiều năm hoạt động cách mạng và sau này Bác nhiều lần thăm Quảng Tây với danh nghĩa Chủ tịch nước.

Việc lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất quan trọng và có ý nghĩa nhắc nhở tinh thần vì nước quên mình và duy trì truyền thống hữu nghị của hai nước Việt Nam - Trung Quốc của Bác.

Đồng thời giáo dục thế hệ thanh thiếu niên tiếp tục trân trọng, kế thừa và không ngừng phát huy, noi theo tấm gương Bác.

Nhìn chung, cộng đồng người Việt và nhất là lớp trẻ đều hiểu và trân trọng, yêu mến Bác, phổ biến nhiều câu chuyện và tấm gương đạo đức của Bác. Hằng năm, các em tổ chức chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác của Cộng đồng người Việt tại Quảng Tây; các chương trình giao lưu, phổ biến về ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong lưu học sinh Việt Nam tại một số trường đại học ở Quảng Tây…

Hằng năm có rất nhiều đoàn của Việt Nam sang thăm Quảng Tây và đều đến thăm các di tích cách mạng có gắn với hoạt động của Bác. Gần đây, tỉnh Nghệ An (quê hương Bác) với thành phố Liễu Châu, nơi Bác hoạt động cách mạng đã thiết lập quan hệ hữu nghị.

Trong tương lai, việc phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống yêu nước, tình đoàn kết gắn bó được các thế hệ lãnh đạo vun đắp sẽ tiếp tục được làm mạnh hơn nữa.

PV: Quảng Tây giáp ranh với 4 tỉnh của Việt Nam nên sự giao lưu qua lại giữa nhân dân hai nước khá lớn. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh có các hoạt động bảo hộ công dân Việt trên địa bàn như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Vinh: Số lượng người Việt Nam sang sinh sống, xây dựng gia đình, làm ăn ở Quảng Tây là rất lớn. Thêm vào đó, Quảng Tây là địa bàn rất rộng nên khối lượng công việc bảo hộ công dân của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam cực kỳ nhiều và phức tạp.

Thứ nhất, việc phối hợp với cơ quan chức năng xác minh nhân thân đối với hàng ngàn trường hợp công dân nước ta tại địa bàn mất rất nhiều thời gian và công sức. Các đối tượng xác minh nhiều, thành phần khác nhau từ bà con sang đây từ mấy chục năm trước không có giấy tờ gì nay muốn xác minh nhân thân để được cấp hộ chiếu lần đầu, các cơ quan của bạn đề nghị xác minh nhân thân của các công dân nước ta là nạn nhân bị lừa bán, mất giấy tờ, thậm chí phạm tội tại địa bàn…

Thứ hai, là công tác giải cứu và hỗ trợ hồi hương, mỗi năm có hàng chục trường hợp phụ nữ bị lừa bán sang làm lao động, hoặc gặp khó khăn trong môi giới hôn nhân muốn về nước đến Tổng Lãnh sự quán nhờ giúp đỡ. Tổng Lãnh sự quán cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan trong nước và phía bạn xử lý một số vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc do thiên tai…

Thứ ba là xử lý, báo cáo các cơ quan trong nước hàng trăm vụ việc của công dân nước ta ở Quảng Tây vi phạm luật pháp nước sở tại, trong đó có rất nhiều vụ việc phức tạp liên quan tới tội phạm qua biên giới như buôn người, tổ chức xuất nhập cảnh trái phép, buôn ma túy, trộm cắp… Nhiều công dân nước ta bị phạt tù và Tổng Lãnh sự quán hằng năm phải tổ chức nhiều lần thăm, động viên, tặng quà cho các công dân bị giam giữ ở Quảng Tây.

Xác định công tác bảo hộ công dân là một trong những công tác trọng tâm của Tổng Lãnh sự quán, do vậy, Tổng Lãnh sự quán hết sức quan tâm, giữ liên hệ công tác chặt chẽ với Cục Lãnh sự, các cơ quan trong nước và các cơ quan của tỉnh Quảng Tây phối hợp xử lý vụ việc phát sinh kịp thời, hiệu quả.

Tổng Lãnh sự quán cũng đồng thời tranh thủ các tổ chức Việt kiều của ta, Hội lưu học sinh Việt Nam tại Quảng Tây để kịp thời trao đổi và nắm bắt được thông tin hai chiều, nắm được tình hình sinh sống, làm ăn và học tập của người Việt Nam ở đây. Từ đó có thể hỗ trợ tối đa và kịp thời cho bà con.

Ngoài ra, Tổng Lãnh sự quán cũng tổ chức đều đặn và có ý nghĩa tết cộng đồng, tổ chức, chỉ đạo nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và kêu gọi sự tham gia của Việt kiều, sinh viên. Đồng thời, quan tâm sâu sát, thăm hỏi bà con và các hoạt động của cộng đồng sinh viên hàng năm tổ chức.

PV: Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng Lãnh sự quán VN tại Nam Ninh: “Bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm“

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.