Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng hợp ý kiến Hà Nội đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Vân An| 31/10/2015 16:37

(HNMO) - Chiều 31/10, tại phiên trù bị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.


Về chủ đề Đại hội, hầu hết ý kiến góp ý của đảng viên trong Đảng bộ đều nhất trí với chủ đề Đại hội như dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu và cho rằng chủ đề được xác định trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản của chủ đề Đại hội XI với các thành tố cơ bản là “sự lãnh đạo của Đảng”, “đoàn kết dân tộc”, “đổi mới”, “mục tiêu chiến lược”. Đây được coi là cơ sở hội tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn ân và toàn quân để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI, hầu hết các ý kiến nhất trí và đánh giá cao cách nhìn nhận, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Trung ương, trên từng vấn đề đều chỉ ra những tồn tại, yếu kém rất cụ thể, thẳng thắn, không né tránh. Nhất trí về những ưu điểm, hạn chế khuyết điểm và một số kinh nghiệm như dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu. Các ý kiến đều đồng tình và đánh giá cao 5 bài học từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết. Nhất trí với nhận định đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI nêu trong Dự thảo báo cáo là “đạt được những thành quả quan trọng”, có sức thuyết phục và phản ánh đúng thực tế khách quan.

Về những hạn chế, khuyết điểm, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo báo cáo về 6 hạn chế, khuyết điểm. Trung ương đã thẳng thắn, nghiêm túc chỉ rõ 6 hạn chế, khuyết điểm là đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung: Tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; tham nhũng, tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 còn chủ quan, chưa lường hết những khó khăn, thách thức; đổi mới thiếu đồng bộ và toàn diện; tụt hậu kinh tế xa hơn so với các nước trong khu vực; chưa ngăn được chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm...

Về những nguyên nhân, hầu hết ý kiến nhất trí với Dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị phân tích rõ hơn tại sao nước ta không đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại? Quan điểm để xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa rõ; chỉ rõ nguyên nhân của các hạn chế khuyết điểm, nhất là sự lãnh đạo thiếu chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, yếu trong quản lý điều hành của các cấp Chính quyền...

Nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với việc Trung ương đã đánh giá: “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Song, cũng có ý kiến cho rằng phần đánh giá đã quá giản lược khi không đánh giá những thành tựu nổi bật mà chỉ đưa ra đánh giá tổng quát và một số bài học kinh nghiệm. Sau 30 năm đổi mới chúng ta đã có nhiều thành tựu to lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao...là gì, cần đánh giá cụ thể để nhân dân biết, tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội họp phiên trù bị. (ảnh: VIết Thành)

Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, hầu hết các ý kiến nhất trí với báo cáo. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung dự báo về khả năng xung đột cục bộ giữa các nước có chung biên giới, xung đột trên biển, xu hướng hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực quân sự của một số nước trên thế giới và khu vực; nêu rõ và nhấn mạnh âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước lớn, để nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần bảo vệ chủ quyền đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta; Phần dự báo tình hình trên thế giới nên phân tích theo kết cấu bao gồm các mặt như: thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức để làm cơ sở cho việc xác định giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu... Có ý kiến mong muốn Đảng cần có các dự báo thận trọng về nhiều xu thế biến động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là những vấn đề khó khăn thách thức ở trong nước, để chủ động có giải pháp phòng chống và đối phó đạt hiệu quả. Đảng cũng cần có những đối sách hữu hiệu để các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có điều kiện thuận lợi nhất để tham gia hội nhập toàn diện nền kinh tế thế giới, làm cơ sở để nước ta tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội...

Về các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được trong 5 năm tới, một số ý kiến cho rằng, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5-7%/năm là cao so với tình hình trong nước và thế giới hiện nay, cho nên nhiệm kỳ tới chỉ nên đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%. Mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người là 3.200-3.500USD cũng khó khả thi khi năng suất lao động của nước ta còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia còn yếu...

Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hầu hết các ý kiến đều đồng tình và nhất trí với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế như trong dự thảo. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị, khi cơ cấu lại nền kinh tế cần nghiên cứu, xem xét thế mạnh của từng địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mới đem lại hiệu quả cao; cần hoàn thiện thể chế kinh tế, tăng cường vai trò của Nhà nước bằng các quy định của pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế cần có bước đi thích hợp, có chính sách cụ thể, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; quan tâm đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn...

Về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ; Dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương lần này đã nêu rõ các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, nhóm vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, có các ý kiến góp ý: Làm rõ nội hàm của "đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa" đối với kinh tế thị trường, cần xác định cụ thể vai trò chủ đạo và trách nhiệm của thành phần kinh tế nhà nước, làm rõ hơn vai trò của Nhà nước pháp quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, làm rõ quyền tự do, dân chủ của người dân không chỉ trong hoạt động kinh tế mà trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hầu hết các ý kiến phát biểu đều nhất trí với đánh giá tình hình cũng như những kết quả quan trọng, hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng 5 năm qua.

Đánh giá tình hình xây dựng Đảng trong 5 năm qua, một số ý kiến cho rằng, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả chưa cao. Phê bình và tự phê bình từ Trung ương đến cơ sở chưa thực sự thẳng thắn, có nơi còn bao che khuyết điểm cho nhau. Có nơi, năng lực lãnh đạo của cán bộ Đảng còn yếu, điều hành tổ chức thực hiện hiệu quả thấp, công tác kiểm tra của Đảng còn kém hiệu lực. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở một số địa phương còn hình thức.

Một số ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng còn chưa quyết liệt, chưa có nhiều biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ tham nhũng, đặc biệt là những cán bộ đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Có ý kiến nhấn mạnh cần phải tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, học tập lý luận, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Có ý kiến đề nghị cần nhấn mạnh, bổ sung tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Công tác kiểm tra, giám sát làm chưa kiên quyết, còn hữu khuynh, nửa vời... Từ đó cần đề ra biện pháp khắc phục là: kiên quyết, dũng cảm, mở cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, thanh lọc các phần tử thoái hóa biến chất, mở cuộc vận động toàn dân phát hiện, tố giác người tham nhũng, bao che tham nhũng trong toàn bộ hệ thống chính trị...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng hợp ý kiến Hà Nội đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.