(HNMO)- Sáng 29-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
ĐBQH Đào Thanh Hải thông tin về những kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ tư. |
Tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 còn có bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội; ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.
Đại biểu thành phố Hà Nội đến dự có bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; bà Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Đặc biệt, dự Hội nghị có gần 200 cử tri thuộc hai quận Ba Đình và Tây Hồ.
Những kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã được ĐBQH Đào Thanh Hải thông tin ngay đầu Hội nghị. ĐBQH Trần Thị Phương Hoa thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ và chương trình hành động của Tổ ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 1.
Có vùng nể, vùng tránh trong chống tham nhũng?
Là cử tri đầu tiên phát biểu, ông Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã, Ba Đình) cho rằng, Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thông qua tại Kỳ họp là kịp thời, được cử tri hoan nghênh. Song cử tri còn mong số cấp phó vượt quy định phải được xử lý nghiêm khắc; Quốc hội cũng cần đưa ra chỉ tiêu, số liệu cụ thể hơn trong lộ trình và số biên chế cần phải giảm từ nay cho đến cuối năm 2021.
"Hàng năm Quốc hội ban hành khá nhiều luật, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của nhưng áp dụng luật vào cuộc sống còn yếu vì văn bản dưới luật chậm, thiếu kịp thời; việc phổ biến luật ở một số nơi còn thiếu và yếu; có luật có hiệu lực nhiều năm nhưng nhiều người còn chưa biết. Đề nghị Quốc hội ngoài việc ban hành luật còn phải có cơ chế giám sát, kiểm tra xem luật đó được phổ biến, thực thi ra sao?" ĐB kiến nghị.
Cử tri Bùi Đình Chí (Giảng Võ, Ba Đình) nêu, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cử tri mong muốn công tác kiểm tra giám sát phải thực hiện thường xuyên hơn nữa để xử lý kịp thời các cá nhân tổ chức sai phạm; cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về công tác cán bộ, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành bại; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu...
Cử tri Phan Văn Nhâm (phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ). |
Cùng đề cập về nội dung phòng chống tham nhũng, cử tri Phan Văn Nhâm (Thụy Khuê, Tây Hồ) bày tỏ còn băn khoăn, nhất là một số vụ việc sau khi có kết luận khiến cử tri thêm bức xúc, điển hình là kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái vừa qua. “Chống tham nhũng không có vùng cấm, vậy có vùng nể, vùng tránh hay không?” - cử tri Nhâm hỏi.
Cử tri đề nghị Quốc hội nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Đảng, Nhà nước thực hiện phòng chống tham nhũng không dừng, không ngừng, không nghỉ.
Cử tri Nhâm cũng kiến nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các dự án lớn vừa được thông qua tại Kỳ họp như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc -Nam phía Đông; giám sát chặt việc các cơ quan chức năng ra văn bản pháp luật để tránh trường hợp “sáng ban hành, trưa xin lỗi, chiều thu hồi”.
Hà Nội: Giao khu "đất vàng" 282 Lạc Long Quân để xây trường mầm non công lập
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu và giải đáp các kiến nghị của cử tri. |
Tiếp thu và giải đáp kiến nghị của một số cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin về một số kết quả thực hiện Năm "Kỷ cương hành chính 2017", gắn với việc chấn chỉnh thái độ phục vụ, ứng xử của công chức, viên chức; chủ trương của thành phố với khu đất tại 282 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.Xem chi tiết tại đây
Kỳ họp thật sự dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, chân thành và xây dựng
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước các ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc đều đánh giá, ghi nhận những kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ tư.
Tổng Bí thư đánh giá đây là một trong những kỳ họp thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt. Kỳ họp tiếp tục có những đổi mới, cải tiến theo tinh thần thật sự dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, chân thành, xây dựng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ. Ảnh: Hương Ngô. |
Thành công của kỳ họp thể hiện trên nhiều phương diện như xây dựng pháp luật, giám sát tối cao những vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế -xã hội, áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM; xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc -Nam phía Đông...
"Kỳ họp thành công nhờ toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đồng tâm nhất trí thông qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước với tỷ lệ tán thành cao. Ngoài ra, trình độ ĐBQH khá đồng đều, chất lượng ngày càng cao, đóng góp các ý kiến sâu sắc. Công tác nhân sự tại Kỳ họp cũng đạt được sự thống nhất tuyệt đối. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tương đối vững chắc và thành công của sự kiện APEC 2017 đã tạo bầu không khí tốt, tác động đến thành công của Kỳ họp" - Tổng Bí thư nhận định.
Bên cạnh những ấn tượng tốt đẹp, Tổng Bí thư cũng đồng tình với những hạn chế mà các cử tri đã nêu và cho rằng Quốc hội cần tiếp tục cải tiến trong thời gian tới như phần phát biểu của ĐBQH cần ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề; thời gian cho toàn bộ Kỳ họp nên rút ngắn...
Trên nóng và dưới đang ấm dần lên
Trước nhiều kiến nghị của cử tri về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đây là nội dung mà không kỳ tiếp xúc cử tri nào không đề cập đến và không kỳ họp Quốc hội nào lại không bàn.
"Đây là vấn đề nghiêm trọng, Trung ương đã có nhiều Nghị quyết, những gì đã làm đạt hiệu quả hơn, bài bản hơn nhưng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm và chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì làm được.
Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, kiên trì, kiên quyết, không nóng vội và các bước đi phải bảo đảm chắc chắn, giữ được sự ổn định" - Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết thúc Hội nghị. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, hiện nay yếu nhất vẫn là khâu điều tra để có những chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trì hoãn, kéo dài, để những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực "chìm xuồng". Ngoài ra, khâu thu hồi tài sản từ những vụ án tham nhũng cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.
"Trên đã nóng và cấp dưới dù vẫn yếu, nhưng đang nóng dần lên. Sắp tới, tất cả hệ thống cùng phải làm, không ai đứng ngoài cuộc và đòi hỏi lòng dân phải thuận. Luật Phòng chống tham nhũng qua nhiều lần sửa đổi vẫn tiếp tục cần phải sửa, đặc biệt tập trung vào những khâu yếu đã được chỉ ra" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.