(HNMO) - Sáng 14-12, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2019. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự có Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) Ngô Quang Trung, đại diện các bộ, ban, ngành của trung ương, Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp thành phố xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm, đầu tàu của Thủ đô, cụ thể là việc ban hành Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản biểu dương và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc tích cực, chủ động để triển khai có hiệu quả và đạt được các mục tiêu mà chương trình đề ra.
61 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2018 và 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2019 đã tạo ra một bức tranh sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội sinh động, nhiều màu sắc, đa dạng ngành, nghề, nhiều chủng loại sản phẩm.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu rõ, qua 2 năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn một số hạn chế cần khắc phục: Nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào nền kinh tế Thủ đô chưa hưởng ứng tham gia chương trình; nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia xét chọn đối với những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0, sản phẩm đang tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu... Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chưa có cơ chế, chính sách xứng tầm, đủ sức thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia chương trình.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổng kết, đánh giá kết quả 2 năm thực hiện đề án; nghiên cứu, xem xét, tham mưu thành phố nếu cần sửa đổi, bổ sung nội dung đề án để lựa chọn được những sản phẩm thực sự tiêu biểu để thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, xứng tầm dành riêng cho các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, đồng thời tạo sức hút để các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu việc xây dựng các nội dung hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trong các chương trình, đề án, kế hoạch hằng năm của đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện.
Tại buổi lễ, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2019, có 48 sản phẩm của 37 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực. Kết quả, 31 sản phẩm của 23 doanh nghiệp đủ điều kiện được Hội đồng xét chọn trình UBND thành phố công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2019.
Như vậy, sau 2 năm thực hiện đề án (2018-2019), thành phố đã lựa chọn và công nhận 92 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố (bằng 115% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020). Doanh thu của 59 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2019 ước đạt gần 100 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1 tỷ USD.
Trong số 59 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố giai đoạn 2018-2019, có 15 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, điển hình như Tổng công ty May 10, Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Tân Á, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.