Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn vinh tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Thế Anh| 11/03/2023 05:53

(HNM) - Sau đợt công nhận bảo vật quốc gia mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (đợt 11 - năm 2022), Thủ đô Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng bảo vật quốc gia với 28 hiện vật, nhóm hiện vật. Đa dạng về loại hình, giàu có về giá trị, các bảo vật quốc gia trên địa bàn Hà Nội đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả, góp phần tôn vinh, quảng bá tinh hoa văn hóa trên mảnh đất Thăng Long suốt dặm dài lịch sử.

Thềm bậc Điện Kính Thiên - cổ vật mới nhất được ghi danh là bảo vật quốc gia.

Đa dạng phương thức tôn vinh, quảng bá

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang lên kế hoạch công bố những cổ vật mới nhất được ghi danh là bảo vật quốc gia, gồm: Thềm bậc Điện Kính Thiên; bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê; đầu rồng thời Trần; súng thần công thời Lê Trung Hưng và tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương năm 1897, nhằm tôn vinh, quảng bá di sản. Cũng với mục tiêu này, Bảo tàng Hà Nội đang tổ chức trưng bày chuyên đề về “Cổ vật tiêu biểu tại Bảo tàng Hà Nội”, với trên 50 cổ vật được lựa chọn từ hơn 70.000 tài liệu, hiện vật đơn vị đang lưu giữ, trong đó có 5 bảo vật quốc gia là: Trống Cổ Loa, sưu tập lưỡi cày đồng, chuông Thanh Mai, chân đèn gốm, long đỉnh gốm Bát Tràng.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, các hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị bảo vật quốc gia tới công chúng luôn được chú trọng. Bên cạnh trưng bày về cổ vật tiêu biểu, Bảo tàng Hà Nội còn xây dựng một trưng bày khác mang tên “Di sản văn hóa Phật giáo Hà Nội” được thể hiện trên kiến trúc, văn tự Hán nôm, di vật và bảo vật quốc gia, góp phần tăng sức hấp dẫn cho hoạt động này thông qua việc đa dạng cách thức tiếp cận di sản.

“Bảo tàng cũng đang tập trung đẩy mạnh số hóa bảo vật quốc gia, triển khai các trưng bày trực tuyến, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu di sản của công chúng; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô”, ông Nguyễn Tiến Đà nói. 

Đáng chú ý, không chỉ các bảo vật quốc gia thuộc cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý mới được quan tâm bảo vệ, phát huy, những cổ vật thuộc bộ sưu tập tư nhân trên địa bàn Hà Nội cũng được chủ sở hữu đầu tư nhiều tâm huyết. Nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính vừa đón nhận niềm vui mới là có thêm 2 bảo vật được bổ sung vào danh mục này. Ông Nguyễn Văn Kính chia sẻ: “Kể từ cổ vật đầu tiên được

ghi danh (trống đồng Kính Hoa, thuộc văn hóa Đông Sơn), tôi rất vui, tự xác định cho mình sứ mệnh gìn giữ những báu vật để tôn vinh nền văn minh của tổ tiên chúng ta. Tôi đã chủ động mời chuyên gia, nhà khoa học tư vấn cách thức bảo quản hiện vật theo đúng quy định; tổ chức nơi lưu giữ, trưng bày để mọi người thưởng lãm, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa đất nước”.

Để di sản được “sống“ trong đời sống đương đại

Là tài sản vô giá, hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của đất nước, bảo vật quốc gia thường là những di sản độc bản, chính vì thế, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản này có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc. Theo nhiều chuyên gia, để phát huy giá trị bảo vật quốc gia, cần có thêm nhiều cách thức tôn vinh, quảng bá, từ việc khai thác tính đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung cũng như những giá trị độc đáo khác trong kỹ thuật tạo tác phản ánh văn hóa thẩm mỹ, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Thăng Long - Hà Nội.

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín nêu: Cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động riêng trong lan tỏa giá trị những báu vật quốc gia trong nhân dân, như: Thiết kế mô hình lưu niệm về di sản để nhận diện, tôn vinh; phát triển du lịch văn hóa gắn với các điểm đến sở hữu bảo vật quốc gia; đưa nội dung bảo vật quốc gia vào các chương trình giáo dục di sản...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, thời gian qua cùng với việc xây dựng, triển khai phương án bảo vệ, ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt, sở cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tích cực triển khai chương trình quảng bá giá trị di sản, bảo đảm di sản được khai thác phát huy hiệu quả, để di sản thực sự “sống” trong đời sống đương đại, tránh tình trạng “ngủ yên” trong kho bảo quản.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bảo vật gắn với hoạt động du lịch là hướng phát huy giá trị bảo vật quốc gia của đơn vị trong thời gian tới. Cùng với việc tổ chức sự kiện ra mắt bảo vật quốc gia mới được bổ sung vào danh mục, trung tâm dự kiến xây dựng mã QR code, bổ sung bảng biển giới thiệu, thiết kế sách ảnh về nội dung bảo vật quốc gia, để lan tỏa tốt hơn các giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.