(HNM) - Ngày 5-2, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Nông nghiệp (số 2, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đã tưng bừng diễn ra Hội chợ Xuân Canh Dần 2010 do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Đặc sắc nông sản Việt
Một gian hàng hoa địa lan tại Hội chợ. Ảnh: Ngọc Minh
Không như thường thấy ở các siêu thị, nơi mà hàng hóa nông sản nước ngoài tràn ngập, tại hội chợ này, nông sản Việt đậm nét và phong phú hơn bao giờ hết. Giữa nhộn nhịp người đi mua sắm, nổi bật ven đường vào khuôn viên chợ chính vẫn là hoa. Hoa được hội tụ từ mọi miền về đây; có thể kể đến: đào rừng Sơn La, Điện Biên; đào bích Nhật Tân (Hà Nội); mai vàng Nam bộ, mai tứ quý, nhị độ mai; các loại hoa lan rừng, lan, địa lan Đà Lạt; các loại hoa ly như ly Sa Pa, ly Hà Nội... có giá từ 300.000 đồng đến 7 triệu đồng, đáp ứng mọi nhu cầu từ bình dân đến cao cấp. Các cơ sở, DN từ vùng cao mang đến hội chợ sản phẩm gạo đặc sản phục vụ nhân dân Thủ đô Tết Nguyên đán như gạo Séng Cù của HTX Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai; gạo Già Dui của Thôn Phèng, huyện Xín Mần, Hà Giang; gạo Tám Xoan Hải Hậu, Nam Định... và các loại đặc sản măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương dân tộc; sản phẩm rượu mơ Yên Tử, rượu San Lùng, rượu Làng Vân… làm say lòng khách đến với hội chợ bởi chất lượng và giá thành.
Hà Nội tham dự hội chợ với nhiều đặc sản nổi tiếng như miến Cự Đà, giò chả Ước Lễ (Thanh Oai), bưởi Diễn (Từ Liêm)... Đặc biệt hoa lan, ly Hà Nội lên ngôi so với mọi năm. Các nhà vườn từ Mê Linh, Từ Liêm, Đan Phượng... cung ứng cho thị trường cả chục nghìn cành hoa ly, hoa lan các loại. Hoa năm nay được đánh giá là đẹp, giá cả phải chăng. Chị Nguyễn Thị Thủy, ở Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Năm nào tôi cũng mang bưởi Diễn đến hội chợ, để giới thiệu với khách hàng trong và ngoài Thủ đô. Mặc dù, năm nay bưởi Diễn mất mùa, nhưng do nhiều địa phương trồng nên giá cả không có biến động nhiều, hơn nữa đây là thời điểm cận Tết, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại hội chợ rất đông, nên ngay buổi sáng khai mạc hội chợ, tôi đã bán được 2.000 quả.
Bà Vũ Thị Thơm, ở miền Nam cho biết: Tại hội chợ này, cơ sở tôi đưa ra Hà Nội 1.000 chậu hoa địa lan. Tùy vào từng loại, mỗi chậu hoa có giá từ 2-7 triệu đồng, năm nay người tiêu dùng có xu hướng thích chơi những chậu hoa lớn, đẹp, tươi, nên ngay trong buổi sáng tôi đã bán được 10 chậu.
Anh Nguyễn Quốc Cường, phường Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang đem đến hội chợ các đặc sản như nấm, mộc nhĩ, măng, miến của núi rừng Tây Bắc khẳng định, giá thành sản phẩm bán tại Hội chợ Xuân Canh Dần sẽ thấp hơn giá bán lẻ bình thường. Cái chính là người sản xuất nhân cơ hội này để tiếp tục quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước, để người tiêu dùng yên tâm với hàng nội.
Khó khăn trong sản xuất và tiêu thụTrong những năm qua, nước ta chỉ xuất khẩu nông sản thô là chính nhưng cũng làm chưa tốt. Bên cạnh đó, tình trạng "nhà nhà là doanh nghiệp" đã khiến quá trình sản xuất hàng xuất khẩu không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến manh mún, có nguy cơ quay lại cơ chế sản xuất tiểu nông. Ngoài ra, cái yếu nhất của nông sản Việt là ở khâu quản lý chất lượng, tiếp thị chưa hiệu quả, phân phối chưa chu đáo đã tạo nên những khoảng trống cho nông sản nước ngoài chen chân ngay tại "sân nhà". Mỗi năm, nước ta tốn hàng tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản tại nước ngoài, trong khi thị trường trong nước rất giàu tiềm năng, với 86 triệu dân tiêu dùng nông sản… nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế là các DN, cơ sở chế biến nông sản của Việt Nam nhiều nhưng quy mô sản xuất nhỏ, mức đầu tư chưa lớn, trình độ khoa học công nghệ thấp, sản xuất chưa ổn định, dây chuyền không đồng bộ và cũng chưa có một DN nào có quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản. Nguyên nhân là do hầu hết các DN đều phát triển từ mô hình kinh tế hộ, vốn ít và chưa có điều kiện đầu tư mở rộng nhà xưởng, lắp đặt công nghệ sản xuất hiện đại.
Hiện nay đi đến bất kỳ chợ hay siêu thị nào, chúng ta đều bắt gặp rất nhiều hàng hóa nông sản nước ngoài. Nhỏ như mớ rau, quả ớt, đến các mặt hàng như nho Mỹ, xoài Thái, táo Trung Quốc, gạo Thái... Những nông sản này nông dân trong nước còn phải chật vật tìm thị trường tiêu thụ, thì sản phẩm tương đương của nước ngoài lại nghiễm nhiên có mặt trong bữa ăn từng gia đình người Việt. Thực trạng này bắt nguồn từ sự yếu kém của nền sản xuất, kinh doanh nông sản nước ta, chứ không phải do hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập. Đồng thời, do các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu, nên sức cạnh tranh kém. Ngay tại Hà Nội, hiện người nông dân vẫn chưa thích ứng được với cơ chế thị trường, nên xảy ra tình trạng nông dân ồ ạt trồng cùng một loại nông sản, dẫn đến cảnh "được mùa rớt giá" liên tục xảy ra.
Cần giải pháp đồng bộĐể nông sản Việt Nam phát triển bền vững trên thị trường nội địa và xuất khẩu, nhiều chuyên gia về lĩnh vực này đã khẳng định, Nhà nước cần quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo định hướng xuất khẩu; từ đó tập trung đầu tư thâm canh và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới để đáp ứng tốt yêu cầu chế biến xuất khẩu, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Mặt khác cũng cần có chính sách ưu đãi khuyến khích sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu; đồng thời tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề, đưa sản xuất hàng hóa ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.
Xây dựng và tạo lập nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa "sạch", chất lượng cao là điều cần để nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại quy mô cũng như phương thức sản xuất, thoát khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Điều này không chỉ giải quyết nguyên liệu "đầu vào" cho nhà sản xuất và các DN, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu nông sản, mà còn định hướng cho nông dân các địa phương tổ chức sản xuất chuyên nghiệp. Quy hoạch khu chế biến, giao dịch thương mại nông sản tập trung; hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở thu hút nhiều đối tác đến ký kết hợp đồng gia công sản xuất, chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản lý điều hành và tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại để các DN sớm có được những hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản hàng hóa.