(HNMO) - Tối 10-11, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội long trọng tổ chức “Lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2022” với chủ đề “Văn hóa Doanh nghiệp hội nhập, phát triển”. Đến dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện nhiều cơ quan, sở, ngành.
Đại diện gần 600 doanh nghiệp trong số hơn 362.000 doanh nghiệp Thủ đô tham gia sự kiện, trong đó nhiều đơn vị đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý cấp Nhà nước, thành phố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trao tặng. Cụ thể, có 1 tập thể và 1 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 1 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 16 đơn vị được nhận Cúp Thăng Long; 71 đơn vị và cá nhân được nhận Cờ thi đua và Bằng khen của UBND thành phố. Ngoài ra, có 42 đơn vị và cá nhân được nhận Bằng khen của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Kỷ niệm chương của Hiệp hội…
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, năm 2022 có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, những bất ổn do cuộc xung đột ở một số nơi trên thế giới cũng như khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại. Việc tổ chức và hưởng ứng, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân nhân “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với giới công thương Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận những đóng góp to lớn, kết quả sản xuất kinh doanh và tinh thần vượt khó, khắc phục khó khăn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tác động tích cực đến kết quả tăng trưởng kinh tế trên địa bàn; tạo nguồn thu ngân sách, việc làm và thu nhập cho người lao động…
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, là nòng cốt của khu vực doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% ngân sách nhà nước cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động. Đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại, luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khẳng định vị thế, đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển; đồng thời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, tích cực tham gia đồng hành cùng thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.
Tính đến ngày 6-11-2022, thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.571 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 293.853 tỷ đồng, tăng 27% về số lượng doanh nghiệp và tăng 8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”. Chính quyền thành phố cam kết tiếp tục đồng hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa cùng với các doanh nhân, doanh nghiệp Thủ đô để vượt qua khó khăn, thử thách, đón bắt các cơ hội trong thách thức, duy trì và tiếp tục vươn lên, phát triển ngày càng lớn mạnh, đóng góp tốt hơn vào sự phát triển của Thủ đô.
Với tinh thần đó, thành phố mong muốn và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô triển khai, hưởng ứng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; chủ động bắt nhịp các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và các nước tiên tiến, đưa các sản phẩm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai là, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản trị doanh nghiệp, vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, đúng pháp luật, tiếp tục tham gia cùng thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.
"Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô sẽ phát huy thành tựu đã đạt được, tiếp tục nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển bền vững, xứng đáng là “động lực phát triển của Thủ đô”. Thành phố đặt niềm tin, kỳ vọng vào quyết tâm, sự bứt phá vươn lên của các doanh nghiệp Thủ đô trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, một số doanh nghiệp đã đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng cho các chương trình, hoạt động nhân đạo, hỗ trợ người nghèo trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.