(HNM) - Trong những tỉnh Đồng bằng châu thổ sông Hồng có địa giới kề cận Thủ đô, Hà Tây (cũ) là vùng đất cổ kính và có quan hệ mật thiết, liên tục nhất với Thăng Long - Hà Nội, suốt cả chiều dài lịch sử phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của Trung tâm đất nước.
Từ xưa xa, những làng, xã, phủ, huyện của xứ Sơn Nam và xứ Đoài, sau thành Hà Đông và Sơn Tây, người dân đời trước nối đời sau, do hiếu học, cần cù và giàu sáng tạo, đã làm nên những danh hương nổi tiếng thiên hạ. Đó là các làng cổ Đường Lâm, Cổ Đô, Đại Phùng, Yên Sở, Thiên Mỗ... Đó là các làng khoa bảng lớn như Vẽ, Tó tả, Kẻ Vác, Kẻ Bặt... Đó là những làng hát ví, hát trống quân như Liệp Tuyết, Khánh Vân, Quần Hiền và nhiều làng hát ca trù ở xã Thượng Mỗ... Đó là những làng nghề được cả nước biết tiếng như làng lụa La Cả, Vạn Phúc; làng khảm trai Chuyên Mỹ; làng tiện Nhị Khê; làng rèn Hòe Thị, Đa Sĩ; làng giấy An Cốc; làng nón Chuông; rồi làng Sơn; làng tằm tang; làng giò chả; làng quạt giấy; làng tranh đỏ... Và Hà Tây đã liên tục cung cấp nhiều nhân tài, sản vật quý giá cho Thăng Long, góp một phần không nhỏ trong việc bồi đắpnên tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.
Thời xưa xa, làng đã là một đơn vị hành chính; còn thời nay, làng là đơn vị văn hóa (làng văn hóa) và là đơn vị kinh tế (làng nghề). Như vậy, làng là hạt nhân cấu tạo nên các đơn vị hành chính hoàn chỉnh xã, huyện, tỉnh. Đặc biệt, là mỗi làng của Hà Tây đều chứa đựng những sức sống truyền thống của làng Việt ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Thích ứng với từng giai đoạn lịch sử, dường như sức lực của làng quê Hà Tây đều có sự bừng dậy những tài năng tiêu biểu để đảm nhận nhiệm vụ lịch sử của làng Việt Nam. Thế kỷ thứ VIII có Phùng Hưng khởi binh chống lại ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường, kéo về bao vây phủ thành Tống Bình (sau là Thăng Long), khiến Đô hộ Cao Chính Bình sợ hãi phát bệnh mà chết. Sang đầu thế kỷ X, làng cổ Đường Lâm lại có Ngô Quyền đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, dựng nền tự chủ, đóng đô ở Cổ Loa. Thế kỷ XV, làng Nhị Khê có Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đánh xâm lược Minh, rồi trở thành Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Thế kỷ XVI, từ làng Phùng Xá, có Phùng Khắc Khoan, nhân vật lịch sử lớn thời Lê Trung Hưng. Và, suốt gần 400 năm, có họ Đặng cư trú ở các làng cổ từ Bất Bạt, Lương Xá, Thượng Yên Quyết, Thịnh Phúc Hạ với nhiều Tiến sĩ, Trạng nguyên Nho học cùng 18 Quận công, đóng góp nhiều công lao cho các triều đại từ Lê cho đến Tây Sơn. Trong đó, có Đô đốc Đặng Tiến Đông làm nên trận thắng Đống Đa lịch sử năm 1789; và Đặng Đình Tướng, Tiến sĩ Nho học, Đô đốc tài giỏi, khi mất được phong Phúc thần... Nếu nhìn nhận nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội phát triển theo quy luật hội tụ - tỏa lan - hội tụ (nghĩa là thu tụ những cái hay, cái ưu tú của các vùng quê để chung đúc nên tinh hoa, rồi lại tỏa lan tinh hoa đó cho các vùng quê được tiếp nhận lại), thì Hà Tây trong suốt chiều dài lịch sử đã có sự giao thoa hội tụ - tỏa lan với Thăng Long sâu đậm nhất. Theo quy luật, các tài năng lớn của Hà Tây sau đều về Thăng Long, đóng góp sức lực và trí tuệ cho các Vương triều, cũng là đóng góp cho đất nước; và họ cũng đưa những tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội về cho cuộc sống ở làng quê mình, tạo nên sức phát triển mới cho các làng quê Hà Tây (cũ).
So với những làng có danh tài về võ công và chính trị, thì các làng nổi danh về khoa bảng và giàu sáng tạo trong lao động của Hà Tây nhiều hơn rất nhiều. Riêng vùng Từ Liêm (xưa thuộc phủ Quốc Oai) đã có tứ đại danh hương là Mỗ, La, Canh, Cót với rất nhiều vị khoa bảng và trong đó không ít người trở thành danh tài của đất nước, như: Nguyễn Như Uyên (thế kỷ XV), Tể tướng đầu triều Lê ThánhTông thịnh trị bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam; Nguyễn Quý Đức (1648- 1720), Tể tướng nghiêm minh nổi tiếng thời Lê Trung Hưng; nhà sử học danh tiếng Phan Phu Tiên quê Đông Ngạc nhưng sống ở làng Cót... Trong suốt lịch sử khoa bảng nước ta có 2.898 người đỗ đại khoa, thì riêng Hà Tây đã có 383 người! Làng Canh Hoạch có họ Nguyễn liên tiếp 3 đời đỗ đại khoa, trong đó có Nguyễn Đức Lượng đỗ Trạng nguyên; và một họ Nguyễn khác, người ông đỗ Thám hoa, người cha là Trạng nguyên Nguyễn Thiến, còn người cháu là Nguyễn Quyệntrở thành danh tướng. Làng Tó tả ở Thanh Trì (xưa thuộc phủ Thường Tín) có dòng họ Ngô với nhiều nhà khoa bảng lớn, đặc biệt họ Ngô rất nhiều tài năng văn chương, liên tục cả trăm năm nối tiếp nhau sáng tác nên một hệ thống các tác phẩm đồ sộ, chất lượng đáng tự hào cho văn chương đất nước, tạo nên Ngô gia văn phái danh tiếng. Làng Phượng Dực văn hiến sâu dày đến nửa đầu thế kỷ XX lại xuất hiện nhiều văn nhân, nghệ sĩ tài danh, như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Nhược Pháp. Làng Liên Bạt cũng sâu dày văn hiến, đến thế kỷ XX có Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền trở thành nhà chí sĩ yêu nước lớn đã được Phan Bội Châu mời tham gia phong trào Đông Du; và có Bùi Bằng Đoàn đại thần Triều Nguyễn, sau trở thành Chủ tịch đầu tiên Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... Có thể nói, những nét son của văn hiến các làng quê tiêu biểu ở Hà Tây, ít nhiều đã dồn tụ về trung tâm đất nước, góp thêm cho rạng rỡ những nét son của Thăng Long - Hà Nội.
Từ xưa xa, người Hà Tây được người tứ xứcoi là khéo tay hay nghề; đất Hà Tây được thiên hạ biết đến là đất trăm nghề. Trong lịch sử phát triển kinh tế Thăng Long thì giai đoạn phát triển 36 phố phường có vai trò rất quan trọng. Mà, sự phát triển của 36 phố phường có một tác nhân rất lớn là sự hội tụ hàng hóa và cả con người của các làng nghề từ các vùng, miền về Thăng Long. Trong sách Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: "Thời nhà Lý mới đóng đô ở Thăng Long, người bốn phương đã kéo đến hội tụ, buôn bán..." và có thể thấy, trong cuộc hội tụ về Thăng Long đó, có không ít từ các làng nghề Hà Tây. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi nhận: Những phường dệt rất nổi tiếng về tài dệt những tấm lụa mịn mặt, như Nghi Tàm, Thụy Phương (Từ Liêm). Tiến triển của lịch sử cho thấy, sau cải cách của vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), nền kinh tế của đất nước thế kỷ XVI, XVII có bước phát triển lớn và bền vững, đặc biệt là kinh tế hàng hóa. Sự hình thành thêm và phát triển các làng nghề là rất đáng kể. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn ghi chép nhiều về nghề dệt. Ông khẳng định, ta thuộc xứ nóng, nuôi tằm nhiều hơn các xứ khác, một năm đến tám lứa. Các làng Mỗ, La, Phùng có tài dệt lụa, là, sồi, lĩnh. Nghề dệt Hà Tây về Thăng Long Hà Nội rất nhiều, cả thợ dệt cả hàng dệt và là nguồn chính tạo nên phường Hàng Đào nhuộm màu và bán hàng tơ lụa. Theo đà của sự phát triển kinh tế hàng hóa, lại có thêm những đợt di động nữa đưa nhiều thợ thủ công về hành nghề ở phố phường Kẻ Chợ. Cùng với các làng nghề ở một số địa phương khác, thợ thủ công những làng nghề Hà Tây hội tụ về Thăng Long khá đông, đa phần tập trung ở khu vực phía đông kinh thành. Đi đến đâu, họ đều mang theo trong tâm khảm mình cái văn hóa - kinh tế làng mình, có điều kiện thì thể hiện nó thành dấu ấn vật chất ngay nơi định cư mới. Những người thợ kim hoàn gốc làng Định Công ra Thăng Long hơn 300 năm trước, góp phần tạo nên phố Hàng Bạc và tại số nhà 50 của phố này, họ đã dựng ngôi Đình trên để thờ tổ nghề. Thợ rèn làng Hòe Thị đến vùng Tân Khai - Tân Lập của Thăng Long định cư, hành nghề, sau nơi đây thành phố Lò Rèn. Hiện nhà số 1 phố này là Đình Lò Rèn, là do những người thợ rèn đến đây lập nghiệp dựng nên để thờ tổ nghề rèn sắt. Người làng nghề chạm khảm Chuyên Mỹ ra Thăng Long, đã tạo nên phố Hàng Khay sau này. Họ có lập đền thờ ông tổ nghề khảm trai Chuyên Mỹ ở làng Cựu Lâu, tôn ông làm tổ nghề khảm trai - xà cừ. Làng Cựu Lâu sau bị người Pháp phá đi để mở phố Tràng Tiền. Người làng thêu Quất Động cũng ra Thăng Long định cư, hành nghề. Họ đã dựng ngôi đền, gọi là Tú Đình Thị, ở ngõ Yên Thái, Hàng Mành, để thờ ông Lê Công Hành là tổ nghề thêu làng Quất Động. Nhà số 4 phố Hàng Quạt là ngôi Đình của phường làm quạt và buôn bán quạt, từ xưa có rất nhiều người làng Vác ra đây làm nghề, buôn bán quạt giấy. Ngôi đình này có khắc 3 chữ đại tự Phiến Xuân Thị (chợ quạt ngày xuân). ở phố Hàng Gai, phố Tô Lịch, hầu hết các nhà làm nghề tiện gỗ, tiện sừng đều là người làng tiện Nhị Khê... Như vậy, có thể nói những kết tinh từ lao động cần cù và giàu sáng tạo của đất trăm nghề, đem về Kẻ Chợ, đã qua một tiến trình liên tục, bền lâu, để trở thành một bộ phận của tinh hoa Thăng Long - Hà Nội.
Phải chăng, do nhận thấy quy luật hội tụ - lan tỏa của nền văn hiến Thăng Long mang một sức phát triển sâu sắc, trong đó có sự hội tụ nổi trội từ các làng quê văn vật thuộc xứ Sơn Nam và Sơn Tây, nên năm 1931, niên hiệu Minh Mạng 12, triều đình nhà Nguyễn bỏ Trấn Bắc Thành, đặt lại các tỉnh hạt, lập tỉnh Hà Nội. Hà Nội hồi ấy có địa dư: Phía đông giáp huyện Gia Lâm, Bắc Ninh; phía tây đến huyện Đan Phượng, Sơn Tây; phía nam giáp huyện Gia Viễn, Ninh Bình; phía bắc đến huyện Yên Lãng, Sơn Tây. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, người Pháp tiến hành cuộc xâm lược nước ta. Đến năm 1904, toàn quyền Đông Dương lấn át chính phủ Nam triều, thực hiện việc chia để trị, lập tỉnh Hà Đông gồm 4 phủ là: Hoài Đức, ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín và các huyện: Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoàn Long. Các phủ, huyện đó, trừ phủ Mỹ Đức, còn tất cả đều cắt từ Hà Nội. Dù có biến động về hành chính - xã hội, những làng quê đó vẫn mang một sức sống truyền thống cả ngàn năm, nên phải vừa thích ứng với tình thế mới, vừa phát triển. Về con người, những tài năng tiêu biểu như nhà khoa bảng lớn Nguyễn Thượng Hiền đã trở thành nhà chí sĩ lớn tham gia phong trào yêu nước; và như Bùi Bằng Đoàn, đại thần triều Nguyễn đã trở thành người kháng chiến chống xâm lược Pháp và là Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Về sản vật, các làng nghề vẫn tạo nên sức cạnh tranh lớn trong nước và còn có sản phẩm vượt biên giới, ra thị trường nước ngoài. Những người thợ phố Lò Rèn đủ sức đáp ứng các nhu cầu của những công trình giao thông đường sắt từ Hà Nội đi Sài Gòn và Hà Nội đi Vân Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Nghiệp đoàn lò rèn đã thành lập ngay tại đình Lò Rèn. Còn quạt giấy làng Vác, đầu thế kỷ XX được bán ở thị trường Hồng Kông, Thái Lan, được đem bày tại Hội chợ đấu xảo Hà Nội, rồi được đưa sang cả Paris, nước Pháp. Và, những sản phẩm tiện của làng Nhị Khê cùng những người thợ tiện Nhị Khê thì có mặt cả ở các tỉnh thành xa xôi, tới tận Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho... ở biết bao nơi, chỗ nào có tiếng "lạch cạch" của máy tiện gỗ, tiện sừng, là có người làng tiện Nhị Khê ở đó... Sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, tài năng và sự cần cù của con người đất trăm nghề vẫn tiếp tục mạch nguồn dồi dào sức sáng tạo. Đơn cử, hàng dệt của làng nghề Vạn Phúc, La Cả không chỉ chiếm lĩnh thị trường Hà Nội, mà đến với thị trường cả nước, xuất đi nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm của làng nghề giò chả Tân ước thực sự chinh phục thực khách Hà Nội và những du khách nước ngoài. Làng tiện, làng chạm gỗ khảm trai cũng đưa sản phẩm tới nhiều thị trường xa xôi trong nước và thế giới... Cái mạch nguồn dồi dào sức sáng tạo của đất trăm nghề là một tiềm năng lớn, tiềm năng dày sâu trong quá khứ đời trước truyền cho đời sau, và có sức tiến triển bền vững lâu dài. Đó là văn vật, hơn thế, là văn hiến, của Hà Tây - Vùng quê địa linh nhân kiệt.
Anh Chi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.