(HNM) - Cuộc xung đột ở Syria đã bước sang năm thứ 8 khiến quốc gia Trung Đông này hứng chịu thiệt hại về vật chất ước tính lên tới 400 tỷ USD. Đây là số liệu vừa được Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á của Liên hợp quốc (ESCWA) công bố. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ so với những tổn thất không thể đong đếm mà người dân Syria phải gánh chịu trong suốt thời gian qua.
ESCWA ước tính, giá trị cơ sở vật chất bị phá hủy ở Syria trong cuộc nội chiến nổ ra năm 2011 là hơn 388 tỷ USD, không bao gồm những thiệt hại liên quan đến con người. Đất nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử với 7 triệu người phải đi sơ tán trong nước và 5,3 triệu người tị nạn ra nước ngoài, trong khi 10 triệu người khác dù không phải rời bỏ nhà cửa nhưng đang sống trong cảnh khốn khó. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng nhận định, tình trạng bạo lực diễn ra tại Syria đã cướp đi cả một thế hệ trẻ ở nước này, khi hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Các chuyên gia nhận định, cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này đang dần đi đến hồi kết, khi lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên tiếp giành ưu thế trên các mặt trận chủ chốt với sự trợ giúp đắc lực của quân đội Nga. Các biện pháp quân sự dần được thay thế bằng các tiến trình chính trị và tập trung nguồn lực cho công cuộc tái thiết đất nước thời kỳ hậu chiến. Mátxcơva gần đây cũng kêu gọi các nước phương Tây chung tay tái thiết Syria và tạo điều kiện cho người dân hồi hương thay vì tập trung vào nỗ lực thay đổi chế độ ở Damascus. Dữ liệu do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cung cấp đầu tháng 8 cho thấy, khoảng 890.000 người dân Syria có thể hồi hương trong vài tháng tới khi an ninh được cải thiện ở nhiều khu vực như Aleppo, Hama, Homs và Damascus.
Hỗ trợ tài chính là điều vô cùng cần thiết ở thời điểm hiện tại. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, số người dân Syria cần được hỗ trợ nhân đạo đang ở mức cao chưa từng thấy là hơn 13 triệu người, trong đó 6,3 triệu người không được bảo đảm về lương thực và 5,3 triệu người không có nơi ở an toàn. Đặc biệt, có tới 35% hộ gia đình Syria phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Tại hội nghị quốc tế về tài trợ cho Syria diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) tháng 4 vừa qua, các nhà tài trợ quốc tế cam kết viện trợ 4,4 tỷ USD trong năm 2018 cho người dân chịu ảnh hưởng từ cuộc nội chiến ở quốc gia này. Song, khoản cam kết trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức 6 tỷ USD được đưa ra tại chính hội nghị này 1 năm trước đó.
Các số liệu thống kê trên đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và những hệ lụy lâu dài mà xung đột, chiến tranh mang lại. Báo cáo đầy đủ về tác động của cuộc chiến tại Syria dự kiến sẽ được ESCWA công bố trong vài tuần tới, giúp cung cấp thông tin toàn diện cho các cuộc thảo luận về thời hậu chiến tại đất nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.