(HNM) - Mối quan hệ vốn đã nguội lạnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga suốt 3 năm qua nay lại thêm phần băng giá khi các nhà lãnh đạo Cựu lục địa quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với xứ sở Bạch dương.
Nhiều mặt hàng nông sản của EU chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm của Nga. |
Bên cạnh việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế, áp đặt lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và dính líu đến cuộc xung đột tại Ukraine, EU vừa liệt thêm 9 người vào "danh sách đen" vì liên quan tới cuộc bầu cử hồi tháng trước ở các khu vực do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine kiểm soát. Sau cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát cuối năm 2013 dẫn tới việc chính quyền thân Nga bị lật đổ, Mátxcơva sáp nhập trở lại bán đảo Crimea, căng thẳng giữa hai nước không ngừng gia tăng.
Tình hình tiếp tục phát triển theo chiều hướng tiêu cực sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hôm 25-11. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Hải quân Ukraine cho rằng, Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua để vào biển Azov. Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng.
Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân chính cản trở ý định phục hồi quan hệ Nga - EU dù hai bên đã nhiều lần thể hiện mong muốn cải thiện tình hình. Thực tế, lệnh trừng phạt lẫn nhau kéo dài suốt thời gian qua đã làm chậm quá trình phát triển kinh tế của cả hai bên và khiến hàng loạt lĩnh vực hợp tác song phương bị đình trệ. Mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, ước tính thiệt hại của EU vào khoảng 100 tỷ euro. Về phía xứ sở Bạch dương, sau khi công bố các lệnh trừng phạt, kim ngạch thương mại của các công ty Nga với các đối tác từ EU đã sụt giảm gần một nửa. Tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga ở mức 55 tỷ USD.
Lo ngại xu hướng tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini đã phải đưa ra cảnh báo rằng, căng thẳng giữa Ukraine và Nga ngoài khơi bán đảo Crimea đang gây ảnh hưởng cho nền kinh tế EU khi hoạt động của các tàu thuyền châu Âu bị cản trở. Quan chức EU cũng nhấn mạnh, nền kinh tế của khối này đang bị ảnh hưởng vượt xa các mối đe dọa an ninh mà EU đang chứng kiến.
Theo một số nhà phân tích, mặc dù kinh tế Nga bị tác động nặng nề, song 3 năm qua vẫn là cơ hội để nước này phục hồi các ngành sản xuất trong nước. Các chính sách tiền tệ thông suốt đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chấp thuận cộng với việc giá dầu gia tăng trong thời gian gần đây đã giúp dự trữ ngoại hối phục hồi đáng kể từ sau lần sụt giảm vào năm 2014 và hiện đạt ngưỡng gần 500 tỷ USD (tương đương 1/3 GDP của nước này). Do đó, kịch bản “gấu Nga” sẽ gục ngã bởi các đòn cô lập suốt thời gian qua là không dễ xảy ra. Chưa kể, Nga là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới với sự hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này khiến việc áp đặt các lệnh trừng phạt kéo dài nhằm vào Nga có thể tạo ra những tác động tiêu cực lan rộng.
Vì thế, càng sớm cải thiện mối quan hệ song phương, hai bên càng ít phải hứng chịu thêm những tổn thất và hạn chế các hệ lụy cho nền kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.