(HNM) - Sinh năm 1972, xuất hiện trên văn đàn khá sớm, nhà văn Nguyễn Danh Lam từng đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2007.
Nhà văn Nguyễn Danh Lam. |
- Những năm gần đây, văn học trẻ đang dần có thêm cơ hội sánh vai với lớp cha chú, góp phần làm nên một diện mạo mới cho văn chương Việt. Điển hình như vừa qua, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt trẻ, mà anh là một trong số đó. Anh chia sẻ gì về điều này?
- Quả thực tôi thấy cá nhân mình chưa thể đứng ngang tầm với các nhà văn lớn tuổi trong danh sách được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Hội đồng giải thưởng ít nhiều đã có sự ưu ái dành cho các tác giả trẻ. Đây có thể coi là một cuộc chuyển giao mang tính khích lệ lớp trẻ, rất đáng trân trọng. Tôi may mắn nằm trong số tác giả được khích lệ ấy. Chính vì vậy, tôi thấy mình càng cần phải nỗ lực nhiều hơn trên con đường vốn dĩ không ngừng phải học hỏi này. Những lời trên đây là tôi phát biểu rất thực tâm, chứ không phải giả khiêm tốn hay khách sáo. Nhiều tác giả ở độ tuổi 60 - 80 mà vẫn có được những trang văn sâu sắc, bề thế... đó là nhờ họ có cả một núi tri thức và sự tích lũy đáng kinh ngạc. Phải mất nhiều năm mày mò cầm bút tôi mới thấm thía và ý thức được điều này. Ước sao đến tuổi ấy, tôi đạt được một phần nhỏ những thành tựu ấy là đã vinh hạnh lắm rồi!
- Mỗi nhà văn trẻ đều muốn thể hiện thông điệp của mình, cách nhìn của mình trong việc phản ánh thế giới đương đại. Thông điệp của anh qua "Giữa dòng chảy lạc" là gì?
- Tôi nghĩ thông điệp tốt nhất vẫn do độc giả tự rút ra từ văn bản tác phẩm. Tôi thích dùng chữ "độc giả" hơn "bạn đọc", vì chữ "giả" hình như đã hàm nghĩa một người đọc chủ động. Tôi không dám nói thêm gì nhiều sau khi tác phẩm đã được phát hành và thậm chí ngay trong tác phẩm thì tác giả cũng đã vắng mặt rồi. Thường, trong đầu tôi hay nảy ra những ý tứ để viết, ngay cả khi đang đọc một cuốn sách khác. "Giữa dòng chảy lạc" cũng vậy. Nó nảy ra từ cái nhan đề cuốn tiểu thuyết "No Country For Old Men" (Người già không chốn nương thân) của nhà văn Mỹ Cormac McCarthy. Chính vì vậy mà tôi đã lấy đoạn cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết này làm đề dẫn cho cuốn sách của tôi và lấy nhan đề của nó làm câu kết. Một người đàn ông không chốn nương thân, bị mắc kẹt giữa quá khứ và tương lai, tự lỗi thời và bị lỗi thời trong thời đại khốc liệt của mình. Tất nhiên, đó chỉ là một gợi ý, những ai đã đọc cả hai cuốn tiểu thuyết sẽ thấy chúng hoàn toàn khác biệt. Khi đọc tiểu thuyết "Giữa dòng chảy lạc" của tôi, có nhà phê bình đã nhận xét rằng, thế giới nhân vật trong "Giữa dòng chảy lạc" là một thế giới vô danh, thế giới của những bước lỡ, bước chệch quỹ đạo thông thường, thế giới của những thân phận người bị bắn ra và chìm xuống dưới cái mẫu số chung tầm thường tạo thành xã hội…
"Giữa dòng chảy lạc", từ nỗi buồn thấm thía, đắm chìm, gợi nên sự cảnh tỉnh. Để đứng dậy và thương yêu sau khi gập lại trang sách cuối cùng và ngước nhìn cuộc sống mênh mang phía trước…
- Anh đến với nghề viết khá sớm nhưng anh không viết theo "tiêu chí"… mỗi năm một vài cuốn như vài nhà văn trẻ hiện nay vẫn đang phấn đấu. Bởi thế, hình như cuốn tiểu thuyết nào của anh ra đời cũng gây được hiệu ứng đối với văn học trẻ, từ "Bến vô thường", "Giữa vòng vây trần gian" đến "Giữa dòng chảy lạc"…
- Thật ra, tôi đến với văn chương ban đầu bằng việc làm thơ. Hồi đó tôi 16 tuổi, một mình coi rẫy cà phê ở Đắc Lắc. Bố mẹ cùng các em tôi thì ở trong phố. Hoàn cảnh rất khó khăn, khắc nghiệt. May mắn trong nhà có tủ sách nhỏ, tôi đem vào rẫy được một ít. Những đêm dài giữa rẫy cà phê heo hút, không điện, không nước, không một tiếng người nhưng trăng gió bao la, tôi thèm... được yêu lắm, ở cái tuổi ấy mà. Nhưng lấy đâu ra... người để yêu, ngoài mấy gốc cà phê, thế là đành ngồi làm thơ! Sau mấy năm trời viết như điên, chẳng biết đưa ai đọc, đến thời điểm bùng nổ của mấy tờ báo học trò, tôi gửi thơ về thành phố và được đăng ngay chùm bài đầu tiên.
Đến năm 17 tuổi, tôi viết một cuốn dài dài, kín 5-6 cuốn vở học trò. Cái này gửi đi đâu cũng được... "cảm ơn"! Thất vọng, tôi "không thèm" viết văn xuôi nữa, quyết yên ổn với thơ. Làm thơ chục năm, tôi bắt đầu thấy thơ mình... cũng dở không kém gì văn xuôi ở cuốn kia, thi ở đâu cũng đoạt giải... khuyến khích. Thế là tôi "điếc không sợ súng nữa", quay lại văn xuôi. Và viết luôn tiểu thuyết. Cuốn này cũng là một tổng thể sốc nổi, nhưng may mắn là nó được in. Nối theo cuốn này, tôi viết luôn cuốn thứ hai và in tiếp trong cùng năm. Biết mình viết tiểu thuyết nữa chắc chắn sẽ... dở, tôi chuyển sang truyện ngắn khoảng hai năm thì mới bắt đầu quay lại với cuốn tiểu thuyết thứ ba.
- Anh hiện đang làm việc tại những tờ báo rất trẻ con như Mực tím, Khăn quàng đỏ… vậy điều này có (và không) giúp ích gì cho trang viết của anh?
- Nó giúp tôi tách bạch giữa công việc chữ nghĩa này và công việc chữ nghĩa kia. Sẽ chẳng có chút báo chí nào can dự vào sáng tác của tôi. Còn về mặt đời sống, công việc ở cơ quan của tôi rất bình yên, vui vẻ. Chính vì lẽ ấy, đã có nhiều tờ báo "người lớn" gọi tôi về làm việc. Nhưng suy đi tính lại, tôi quyết định vẫn ở lại, ngày ngày vui cùng "đám trẻ" là bạn đọc của mình. Không chỉ công việc mà còn là sự thư giãn, thay đổi không khí.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.