(HNM) - Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nauy Erik Lahnstein đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Hànộimới ngay trước khi lên máy bay về nước, kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 24-11.
- Ông có thể cho biết cảm nhận riêng mình trong chuyến thăm Việt Nam lần này?
Ông Erik Lahnstein. |
- Tôi rất vui khi lần đầu tiên được đến Việt Nam, được hiểu về một đất nước giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Đặc biệt, tôi vui mừng được chứng kiến sự tiến bộ trên các mặt kinh tế, xã hội ở đất nước các bạn. Tôi đặc biệt ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như những ích lợi mà quá trình tăng trưởng kinh tế mang lại cho người dân trong cuộc sống hằng ngày.
Trong chuyến thăm này, tôi đã có những cuộc thảo luận về cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Nauy với các doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng rằng, việc hợp tác giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong tương lai vì lợi ích chung của cả hai bên. Đặc biệt, tôi thấy được cơ hội lớn cho việc hợp tác trong 2 ngành công nghiệp năng lượng và hàng hải.
Bên cạnh đó, vị thế và vai trò của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Việc tăng cường đối thoại và hợp tác với Việt Nam là rất cần thiết đối với Nauy. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ hợp tác với Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống của Liên hợp quốc, góp phần cùng những nỗ lực quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu...
- Theo ông, Việt Nam có vai trò như thế nào trong khu vực Đông Nam Á?
- Tôi vui mừng nhận thấy sự phát triển năng động và ngày càng sâu rộng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt trong thời gian Việt Nam làm chủ tịch. Đây là một đóng góp quan trọng đối với sự ổn định của khu vực và của toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng, một trong những thành tựu đáng chú ý là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Chúng ta có được cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và 8 quốc gia đối tác đối thoại của ASEAN. Ngoài ra, ASEAN cũng có nhiều tiến bộ trong việc thiết lập cơ chế để giải quyết những vấn đề về nhân quyền một cách nhịp nhàng và hiệu quả.
- Cuộc làm việc với Báo Hànộimới hôm 22-11 vừa qua chứng tỏ ông dành mối quan tâm lớn tới báo chí. Vậy ông đánh giá như thế nào về lĩnh vực này ở Việt Nam?
- Tôi rất ấn tượng với việc gia tăng đáng kể số lượng đầu báo ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Tôi nghĩ rằng báo chí sẽ đóng một vai trò tích cực hơn, quan trọng hơn đối với sự phát triển của Việt Nam nếu tham gia tích cực hơn nữa vào những phản biện đa chiều. Tôi biết rằng những nhà chính trị như tôi phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa của nhà báo là một gánh nặng. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa đăng đàn để trả lời chất vấn của Quốc hội về một số vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là dấu hiệu cho thấy bước chuyển biến mới của Việt Nam. Tôi cho rằng đối với các nhà lãnh đạo, điều quan trọng là phải cởi mở, thẳng thắn tiếp nhận các ý kiến đa chiều khác nhau.
- Ấn tượng sau chuyến thăm Hà Nội có khác nhiều so với những gì ông nghĩ trước khi đến đây không?
- Tôi ấn tượng nhất với Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như truyền thống văn hóa, lịch sử ở Việt Nam. Tôi thấy bầu không khí ở đây rất dễ chịu. Hà Nội là thành phố lớn nhưng vẫn duy trì được nét duyên dáng và vẻ hấp dẫn bên cạnh những ồn ào, nhộn nhịp của phố phường. Trước lúc tôi đến, tôi không nghĩ lại có được bầu không khí thư giãn thoải mái đến như vậy tại Hà Nội.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.