Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu tiếp tục gia tăng ở mức báo động

Quỳnh Dương| 13/03/2020 08:19

(HNMO) - Sáng 13-3, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã là 134.510 người, trong đó 4.970 ca tử vong tại 126 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu tiếp tục là tâm điểm lo ngại khi tốc độ lây nhiễm dịch bệnh gia tăng ở mức độ đáng báo động.

 Italia đang phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19

Châu Âu

Tại tâm dịch Italia, chỉ trong vòng 24 giờ, số bệnh nhân Covid-19 đã tăng thêm 2.651 người, 189 ca tử vong, nâng tổng số người bị nhiễm ở nước này lên 15.113.

Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo, tỷ lệ tử vong do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Italia hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ Italia.

Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh, mặc dù đã tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh được xác định, đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh ở quốc gia Địa Trung Hải này. Cũng theo Waidid, ở Italia, nhiều ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang được tự do đi lại.

Trong khi đó, tại Đức, số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng thêm 779 ca. Tính đến thời điểm này Đức đã có 2.745 ca nhiễm, 6 người tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải triệu tập một hội nghị khẩn cấp với các thủ hiến bang để tìm biện pháp đối phó với dịch bệnh. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định 2 mục tiêu là kiềm chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 và bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi công dân "hạn chế tối đa" những tiếp xúc ngoài xã hội, kêu gọi các bang hủy mọi sự kiện không cấp bách, kể cả với những sự kiện có với số người tham dự dưới 1.000 người, đồng thời cho biết Quốc hội sẽ họp trong ngày 13-3 để thông qua quy định về việc rút ngắn giờ làm cũng như một số biện pháp "toàn diện" khác.

Thủ tướng Merkel nhận định, nước Đức "đang ở tình thế chưa từng có, nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng" trước đây. 

Đứng thứ ba châu Âu về số lượng ca nhiễm bệnh, Tây Ban Nha chứng kiến số trường hợp mắc Covid-19 tăng thêm trong vòng 1 ngày qua là 869 người, thêm 31 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này là 3.146, trong đó 31 bệnh nhân đã tử vong.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, ngoài việc đóng cửa một số trường học, đình chỉ các chuyến bay từ Italia, chuyển sang họp trực tuyến, cho đến nay, Tây Ban Nha vẫn chưa thực hiện những biện pháp thực sự quyết liệt để ngăn chặn đà lây nhiễm lan rộng. Do vậy, tình hình tại quốc gia này có thể sẽ diễn biến tiêu cực trong vài ngày tới.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã chỉ đạo tăng cường các nỗ lực trong việc đối phó với dịch Covid-19 với trọng tâm là chuyển giai đoạn chống dịch từ “kiềm chế” sang “trì hoãn”, đi kèm khuyến cáo người dân có các triệu chứng nhẹ như ho và sốt tự cách ly tại nhà trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, Anh sẽ áp dụng các biện pháp đã được triển khai tại các nước châu Âu khác như Italia và Ireland là đóng cửa trường học để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Patrick Vallance, Trưởng ban cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh, dự báo khả năng tại Anh đã có từ 10.000 đến 50.000 người nhiễm vi rút, nên việc ngăn chặn lây lan hoàn toàn là “không khả thi”, do đó ưu tiên lúc này là trì hoãn thời gian dịch đạt đỉnh. Theo con số báo cáo, hiện tại, Anh mới chỉ có 590 ca nhiễm bệnh, 10 người tử vong.

Châu Mỹ

Ngày 13-3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire-Trudeau tuyên bố đang tự cách ly. Bà Sophie Gregoire-Trudeau phải tiến hành các xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 sau khi trở về từ một sự kiện với “những triệu chứng nhẹ giống như cúm”. Thủ tướng Canada sẽ dành 1 ngày để thực hiện các hoạt động báo cáo, điện đàm và hội nghị trực tuyến từ nhà. Ông Trudeau cũng đã hoãn một cuộc họp với các nhà lãnh đạo địa phương Canada ở Ottawa.

Cùng ngày, các nước thành viên Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ đã đề nghị Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) lùi thời điểm bắt đầu các trận đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực Nam Mỹ do lo ngại về sự lây lan của đại dịch Covid-19. Phần lớn đội tuyển các nước khu vực Nam Mỹ đều có các tuyển thủ đầu quân cho các câu lạc bộ ở châu Âu, trong đó Argentina có 6 cầu thủ được triệu tập đang thi đấu ở Italia, quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch Covid-19 ở châu Âu.

Một số quốc gia Nam Mỹ như Argentina, Colombia, Peru đã áp dụng biện pháp bắt buộc cách ly trong thời gian ít nhất là 14 ngày đối với tất cả những người đến từ các quốc gia có sự lây lan mạnh của đại dịch này.

Châu Á

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, cũng như yêu cầu triển khai các biện pháp cách ly cộng đồng, mà ông gọi là "phong tỏa" thủ đô để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. 

Ngoài ra, Tổng thống Duterte đã thông qua sắc lệnh cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học trong một tháng và cách ly các khu dân cư phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Tổng thống Duterte cũng sẽ được tiến hành xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 để đề phòng.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, quốc gia này không nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất là "đỏ" dù đánh giá dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài cả năm, hoặc thậm chí lâu hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore khẳng định trong trường hợp số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, Singapore sẽ thực hiện thêm các biện pháp giữ khoảng cách xã hội tạm thời, như đóng cửa các trường học, sắp xếp giờ làm việc xen kẽ hoặc bắt buộc làm việc từ xa qua mạng. Ông cũng đã trấn an người dân nước này, kêu gọi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng vượt qua thời khắc khó khăn.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore tiếp tục tăng đáng báo động trong tuần qua, với hơn 60 ca nhiễm mới. Tính tới ngày 13-3, Singapore có tổng cộng 187 ca nhiễm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu tiếp tục gia tăng ở mức báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.