(HNMO) - Theo kết quả tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 9-2, sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục bị vô hiệu hóa.
Quyết định của tòa phúc thẩm đồng nghĩa với việc công dân tại 7 quốc gia Hồi giáo sẽ vẫn được tới Mỹ, bất chấp lệnh cấm do ông Trump đưa ra vào tháng trước.
Các thẩm phán cho biết: “Công chúng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia và cả đối với quyền hạn của Tổng thống trong việc ban hành các chính sách. Mặt khác, họ cũng có quyền và lợi ích trong việc duy trì dòng chảy tự do đi lại, ngăn chặn tình trạng các gia đình ly tán và tránh sự phân biệt đối xử. Sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đã đi ngược lại với nền tảng cơ bản của nền hiến pháp dân chủ”.
Những diễn biến liên quan tới lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump có thể chỉ là khởi đầu của hàng loạt các thách thức pháp lý đối với cách điều hành của ông Trump - đại diện cho cuộc đối đầu đầu tiên giữa Nhà Trắng với cơ chế “kiểm soát và cân bằng” của hệ thống chính trị Mỹ.
Sắc lệnh của ông Trump được ban hành vào ngày 27-1, đề cập tới việc cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với người dân tị nạn Syria; cấm nhập cảnh 90 ngày đối với công dân Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen; và tạm hoãn việc nhập cư trong vòng 120 ngày đối với tất cả người tị nạn. Ngay sau khi được ban hành, sắc lệnh này đã gây ra tình trạng hỗn loạn và hàng loạt cuộc biểu tình tại các sân bay quốc tế.
Ngày 3-2, thẩm phán liên bang James Robart đã ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi kết quả phiên tòa được đưa ra, ông Donald Trump lên tiếng khẳng định ông sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án Tối cao Mỹ nếu cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.