Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến "Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm"

HNMO| 29/08/2017 13:29

(HNMO) - Chiều 29-8, Báo Hànộimới phối hợp Sở Y tế Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm”. Các chuyên gia, khách mời giải đáp các câu hỏi của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến sử dụng thực phẩm sạch, hạn chế những thực phẩm bẩn, không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

17:02 29/08/2017

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long phát biểu kết thúc tọa đàm.

Phát biểu kết luận cuộc tọa đàm, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhấn mạnh: Sau gần 3 giờ đồng hồ, tọa đàm trực tuyến “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm” diễn ra hết sức sôi nổi và đầy ắp thông tin. Ban tổ chức đã nhận được gần 100 câu hỏi của độc giả và có trên 5.000 lượt bạn đọc theo dõi tọa đàm trực tuyến trên trang Hànộimới điện tử. Các đại biểu dự tọa đàm đã trả lời nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến liên quan đến các vấn đề “nóng” như: an toàn thực phẩm đối với bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình; dư lượng hóa chất trên thực phẩm; việc kiểm soát thực phẩm của các cơ quan chức năng; cách nhận biết thực phẩm sạch; việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; vấn đề sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm…Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến yếu tố “thông thái” của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Từ những ý kiến tại cuộc tọa đàm ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng; nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc… 

Mặt khác, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, vai trò của người dân trong việc giám sát công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua hoạt động của hệ thống đường dây nóng và các phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng người dân sẽ phát huy vai trò giám sát của mình, chung tay cùng các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm. Khi có sự chung tay giữa các cơ quan quản lý và người dân, chắc chắn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ phát huy hiệu quả. Trong cuộc tọa đàm ngày hôm nay, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, nhiều giải pháp hay đã được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời góp phần nâng cao ý thức người tiêu dùng; cổ vũ, động viên doanh nghiệp, nhà sản xuất cung ứng những sản phẩm tốt vì sự phát triển của cộng đồng... Điều này cho phép chúng ta tin tưởng trong thời gian tới, ý thức của người tiêu dùng sẽ tăng lên, việc bảo đảm ATTP cho người dân Thủ đô sẽ có những cải thiện tích cực hơn...

Các đại biểu, khách mời chụp ảnh chung sau tọa đàm.

16:49 29/08/2017

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn VSTP Hà Nội:

Chúng ta chỉ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh khi thật sự cần thiết. Thực phẩm tươi sống nên bảo quản trong ngăn mát không quá 3 ngày, trong ngăn đá không quá một tuần. Với thực phẩm đông lạnh có bao gói, không nên quá 3 tháng.

Nhiệt độ trong tủ lạnh nên kiểm tra thường xuyên, phòng hỏng hóc hoặc mất điện; nên duy trì ngăn mát 5 độ xuống 0 độ; ngăn đá dưới 0 độ.

Khi bảo quản trong tủ lạnh phải vệ sinh thường xuyên, tránh biến tủ lạnh thành ổ chứa vi khuẩn.

Thực phẩm trong tủ lạnh cần sắp xếp  theo thứ tự, tránh sống chín lẫn lộn, tránh bảo quản thịt cá tươi sống ngăn trên cùng tránh ô nhiễm. Khi sắp xếp thực phẩm phải rửa sạch, nhất là với thực phẩm tươi sống phải sắp xếp vào trong hộp kín.

16:47 29/08/2017

Độc giả Nguyễn Thị My, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội tới đại diện Chi Cục An toàn, Vệ sinh thực phẩm Hà Nội: “Hiện nay, nhiều người bận rộn nên thường mua khá nhiều thực phẩm một lúc và tích trữ trong tủ lạnh để dùng dần. Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thực sự có tốt không?”

16:46 29/08/2017

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội trả lời câu hỏi của độc giả Huy Cường:


Bà Nguyễn Thị Thu Hằng.


Trong các địa chỉ để mua, trong lĩnh vực của ngành Nông nghiệp, hiện nay có hơn 300 cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản trong đó có cả kinh doanh rau, củ quả. Chúng tôi thường xuyên cập nhật địa chỉ trên website của Sở NN-PT-NT.

Trong năm qua, Sở chỉ đạo các đơn vị có các chuỗi liên kết. Hiện nay có 27 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, 9 chuỗi cá thịt có chứng nhận an toàn. Hiện, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội có 557 địa chỉ chuỗi an toàn trên toàn quốc. Tuy nhiên người tiêu dung có thể mua thử sản phẩm ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị do Sở Công Thương quản lý.

16:45 29/08/2017

 Độc giả Huy Cường, địa chỉ email: huycuongbg@gmail.com, đặt câu hỏi: Chúng tôi rất cần danh sách những địa chỉ uy tín bán rau, hoa quả sạch tại Hà Nội vì hiện nay có rất nhiều công ty gắn mác thực phẩm sạch, nhưng lại sử dụng hoá chất và chất phụ gia nguy hiểm?

16:44 29/08/2017

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trả lời: Không riêng gì hoa quả, chúng tôi còn phải giám sát nhìn chung các loại thực phẩm bao gồm cả tươi sống và bao gói. Chúng tôi có 2 nhiệm vụ và kiểm soát, khi có dấu hiệu vi phạm thì sẽ báo cáo để tổ chức kiểm tra, ngoài ra chúng ta còn nhiều lực lượng khác như chính quyền địa phương cơ sở.

Sản phẩm trước khi được đưa ra lưu thông phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, điều này phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, cơ sở để dảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và tiếng nói của người tiêu dùng thì độ an toàn của sản phẩm sẽ được kiểm chứng.  

16:44 29/08/2017

Độc giả Phạm Thị Hoa, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hỏi: Hiện có nhiều cửa hàng được giới thiệu là hoa quả sạch, nhập khẩu từ nước ngoài và được bán với giá cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó kiểm chứng về độ an toàn và chất lượng thật của những loại hoa quả được cho là cao cấp này. Xin ông (bà) cho biết những cửa hàng như vậy có được giám sát thường xuyên không để người tiêu dùng không bị "tiền mất tật mang"?

16:44 29/08/2017


Bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn đọc về bữa ăn an toàn:

Đây là hình thức liên kết chắc chắn đem lại hiệu quả, bảo đảm mục tiêu đưa ra. Vấn đề là làm thế nào để sự liên kết ko bị chết yểu? Chúng tôi đã xây dựng chương trình hoạt động từ nay đến 2020, phân công từng mảng một để có thể giới thiệu bữa ăn an toàn thông qua các gian hàng; có website buaanantoan.vn để độc giả có thể trao đổi mọi thông tin mình quan tâm về dinh dưỡng an toàn

Hy vọng với nhiều việc làm cụ thể, chương trình sẽ đến với từng bàn ăn, từng bữa ăn của người dân Thủ đô chứ không chỉ là cam kết trên giấy.

Chúng tôi cam kết sẽ làm hết trách nhiệm và đề nghị nhân dân Thủ đô kiểm tra trên kết quả thực tiễn.

16:43 29/08/2017

Câu hỏi: Chương trình “Bữa ăn an toàn” là một chương trình lớn của Thủ đô và thực sự rất có ý nghĩa với cộng đồng. Chương trình có nói đến sự kết nối 5 bên (gồm: Nhà khoa học, nhà báo, nhà doanh nghiệp (sản xuất và lưu thông), nhà quản lý và người tiêu dùng). Làm thế nào để sự kết nối này đạt hiệu quả đề ra, tránh sự kết nối chỉ trên giấy tờ, mang tính hình thức? Bà có thể cung cấp thêm thông tin về nội dung này cho bạn đọc không ạ?

16:37 29/08/2017

Ông Nguyễn Trọng Long, HTX Hoàng Long:

Với người sản xuất như chúng tôi là thực hiện việc sản xuất theo một chuỗi từ sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và cuối cùng là tới tay người tiêu dùng. Chúng tôi cam kết nếu có vấn đề về thiếu an toàn thì chúng tôi chịu trách nhiệm. Đó là một trong những cái tâm của người sản xuất.

Ở TPchúng ta, có rất ít doanh nghiệp sản xuất thành một chuỗi. Chúng tôi tâm niệm rằng, trong mỗi sản phẩm được cấu thành thể hiện ý chí, cái tâm của chúng tôi. Chúng tôi cam kết không làm việc gì, sử dụng chất gây ảnh hưởng sức khỏe tới người sử dụng. Sản phẩm của chúng tôi nằm trong làng nghề truyền thống làm giò chả của Hà Nội. Và là DN đầu tiên sản xuất theo chuỗi từ con giống cho đến làm ra sản phẩm cuối cùng là giò chả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến "Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.