(HNMO) - Tối ngày 28-2, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) và Nhà xuất bản Phụ Nữ đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu sách
Cuốn "Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta" gồm 680 trang, do Nhà xuất bản Phụ Nữ in khổ 15.5x23.2cm, phát hành toàn quốc tháng 2-2018. Trên cơ sở các sách đã xuất bản về Đạm Phương nữ sử và những tài liệu quý do gia đình tác giả cung cấp cập nhật, bổ sung, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã công phu giới thiệu và tuyển chọn cuốn "Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta" để nhìn nhận toàn bộ các trước tác của bà trong sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền.
Đạm Phương nữ sử là một phụ nữ học hạnh tinh nhuần, là cháu nội của vua Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tinh thông ngoại ngữ. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, trở thành nữ kí giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, đồng thời bà cũng là nhà giáo dục, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới, giáo dục gia đình và giáo dục nhi đồng.
Cuốn sách "Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta" gồm 4 phần: Các bài báo trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ; các bài báo về Nữ công học hội do Đạm Phương sáng lập; các khảo cứu về vấn đề phụ nữ được in thành sách; và các sáng tác văn thơ với chủ đề phụ nữ.
Tại buổi tọa đàm, thông qua các bài báo được giới thiệu, tuyển chọn, các diễn giả khẳng định, công trình này mang lại một cái nhìn tổng quan về những vấn đề thuộc nữ học, giúp phụ nữ thay đổi về nhận thức, điều chỉnh về hành vi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại.
Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ. Bà giảng giải cho phụ nữ từ việc trong nhà như: Nấu ăn, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình (với các bài viết: "Bổn phận con gái", "Làm sao mà gọi là nội tướng"...), cho đến những việc ngoài xã hội như đối nhân xử thế, lập nghiệp lập thân ("Bàn về giáo dục con gái", "Nên lập học hội chức nghiệp", "Chị em ta đã biết ham muốn thực nghiệp")...
Bà giúp phụ nữ vừa biết cách làm đẹp, vừa nâng cao đời sống tinh thần như đọc sách báo, văn chương giải trí. Bà cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được tính cấp thiết của việc thành lập Nữ công học hội, tờ báo quốc văn, cơ sở thơ xã cho phụ nữ ("Mấy lời hoan nghênh về việc sáng lập Phụ nữ tùng san", "Đọc báo xem tiểu thuyết cũng là một thú tiêu khiển có ích"...).
Những sáng tác văn chương của Đạm Phương nữ sử lồng ghép rất khéo những tư tưởng về vấn đề nữ học của bà, giúp mở rộng nhãn quan của phụ nữ bấy giờ về việc tự do kết hôn, giáo dục gia đình. Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng đánh giá, Đạm Phương nữ sử là nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên xây dựng quan niệm nữ quyền của mình một cách có hệ thống và có tính tư tưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.