(HNMO)- Trong bối cảnh người dân đang rất lo ngại khi báo chí dồn dập cảnh báo về tình trạng thịt bẩn, rau quả nhiễm hóa chất bảo quản độc hại xuất hiện tràn lan trên thị trường, sáng 16/10, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức tọa đàm “Để có bữa ăn an toàn cho mọi nhà”.
Các khách mời tham gia Tọa đàm |
Tham gia cuộc tọa đàm có ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế; ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C và ông Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định hàng năm Bộ NNPTNT đều lấy mẫu giám sát với những nông sản chủ lực như thịt, rau, quả, thủy sản. Số liệu giám sát ba năm cho thấy không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại. Ví dụ tệ nhất là tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh từ 27 đến 30%, nhưng nếu ăn chín uống sôi là xử lý được.
Tỷ lệ tồn dư hóa chất có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ ô nhiễm vi sinh lại không giảm. Bộ NNPTNT đang cùng các bộ ngành triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh trong thịt gia súc gia cầm và thủy hải sản.
Không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại |
Câu trả lời cho hàng loạt thông tin chưa rõ thực, hư
“Gần đây dư luận rộ lên thông tin gà thải bán tại siêu thị, vậy thực hư thế nào? Quy trình nhập kiểm soát thực phẩm ở đây thế nào? Liệu người tiêu dùng có thể yên tâm với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các siêu thị đang bán hay không?” – Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết: “Thông tin gà dai Hàn Quốc bán ở Việt Nam thì khi nhập khẩu về phía siêu thị đều đã có sự kiểm tra, kiểm soát và dựa trên chứng nhận về hồ sơ chứng nhận chất lượng, hồ sơ nhập khẩu trước khi nhập hàng và bán hàng cho người tiêu dùng.
Sau khi có thông tin từ báo chí rằng những sản phẩm này không đảm bảo dinh dưỡng, mà thực ra chúng ta cần phải kiểm tra trong phòng thí nghiệm thì mới có thể kết luận chính thức, nhưng chúng tôi đã tạm dừng bán mặt hàng này để chờ kết luận xem có bảo đảm về dinh dưỡng hay không, nếu đảm bảo thì chúng tôi tiếp tục bán, nếu không thì sẽ dừng bán vĩnh viễn”.
Hàng hóa trong siêu thị có quy trình kiểm tra chặt chẽ |
Ông Dũng cũng khẳng định không có tình trạng các siêu thị nói chung cũng như Big C nói riêng bán hàng hết đát, không đạt chuẩn chất lượng bởi quy trình kiểm tra hàng hóa chặt chẽ từ nguồn gốc cũng như dây chuyền sản xuất đến trong quá trình nhập hàng
Về tính thực hư của các thông tin thất thiệt như có đỉa trong sữa chẳng hạn xuất hiện liên tiếp, đang gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến DN, ông Nguyễn Như Tiệp trả lời: “Cá nhân tôi cho rằng việc đỉa trong sữa đã tiệt trùng là khó có thể xảy ra”. Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong: “ Thời gian qua, chúng tôi đã có câu trả lời chính thức về gạo giả, về đỉa trong sữa, về đỉa trong bim bim, trích dẫn quan điểm của cả các chuyên gia trong và ngoài nước. Câu trả lời là đỉa không thể tồn tại trong sữa”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có những clip quay được những hộp sữa có ấu trùng? Câu trả lời là một sản phẩm sữa, thực phẩm khi vận chuyển, bảo quản mà không tuân thủ đúng các quy định thì vi sinh vật rất dễ xâm nhập, thậm chí sinh ấu trùng. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một sản phẩm có ấu trùng mà kết luận tất cả các sản phẩm khác đều bị như vậy là không thỏa đáng, cần phải lấy mẫu lưu tại nhà máy, lấy mẫu từ cùng lô sản phẩm để xác minh.
Lượng người ngộ độc thực phẩm lớn hơn nhiều so với thống kê
Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm làm khoảng 5.000 người mắc, hàng chục người chết. Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, số liệu ghi nhận được không đẩy đủ so với thực tế, do không có hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm. Do đó, con số ước lượng của Cục lớn hơn rất nhiều. Ngay cả các nước có hệ thống giám sát đầy đủ thì các trường hợp ghi nhận cũng chỉ bằng 10% so với thực tế.
Lượng người ngộ độc thực phẩm lớn hơn nhiều so với thống kê |
Cũng theo ông Phong, vấn đề ATTP, những rủi ro là điều khó tránh, ngay cả những nước phát triển. Những sự cố lớn về ATTP như melamine, chất tạo đục, rau củ quả nhiễm ecoli… xuất phát ở các nước phát triển là chủ yếu. Còn ở Việt Nam, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra, nguy cơ vẫn còn, đấy là quy luật chung của quản lý thực phẩm, tuy nhiên không đến mức độ hoang mang, mất tin tưởng.
Trước thực trạng việc quản lý thực phẩm có quá nhiều văn bản, nhiều chỗ thì bỏ trống, nhiều chỗ lại chồng chéo, ông Nguyễn Như Tiệp lý giải: “ Sau khi Luật An toàn thực phẩm được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, giao trách nhiệm giao cho 3 Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế. Các Bộ đã ban hành tương đối đầy đủ văn bản hướng dẫn, đảm bảo khung pháp lý cho thưc hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn một số vấn đề còn giao thoa giữa các Bộ thì các bên cũng phối hợp với nhau để xử lý, điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả công việc, xây dựng văn bản tốt, tổ chức thực hiện tốt.
Kết thúc buổi Tọa đàm, để có bữa ăn an toàn cho mọi nhà, các vị khách mời đều đưa ra khuyến cáo: người tiêu dùng cố gắng mua thực phẩm, sản phẩm nông sản của những cơ sở đã được chứng nhận. Còn nếu không có điều kiện, phải sử dụng sản phẩm ở chợ cóc, chợ lẻ thì phải ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả… Bởi ngoài câu chuyện đạo đức kinh doanh, thì cũng cần có “đạo đức” của người nội trợ, ý thức bảo vệ sức khỏe gia đình mình bằng cách ăn chín uống sôi, rửa kỹ rau quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.