Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ quốc không của riêng ai

Đan Nhiễm| 16/05/2014 05:42

(HNM) - Những ngày này, khi chủ quyền thiêng liêng của đất nước tại Biển Đông bị xâm hại thì triệu triệu người Việt Nam đã đồng lòng hướng về biển đảo quê hương.



Hình ảnh cộng đồng người Việt tại Pháp, Đức, Ukraine, Nhật Bản... giương cao biểu ngữ, tuần hành hòa bình phản đối Trung Quốc đã để lại dấu ấn trong lòng những người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Những hình ảnh đó cũng cho thấy sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh đều được phát huy. Và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để nhân rộng và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước trong cộng đồng "con Lạc, cháu Hồng" nơi xứ xa.

Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), đến nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có gần 400.000 người có trình độ đại học trở lên. Cộng đồng này ngày càng hòa nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế. Vai trò quan trọng của NVNONN trong hoạt động chính trị, ngoại giao kinh tế, đặc biệt là ngoại giao văn hóa được khẳng định rõ nét. Không chỉ vậy, kiều bào còn tích cực tham gia xây dựng đất nước dưới nhiều hình thức: Về Việt Nam đầu tư, kinh doanh; gửi kiều hối về nước; tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo... Rõ ràng, đây là nguồn lực quý giá không phải quốc gia nào cũng có được.

Cách đây 10 năm, ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam... Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút kiều bào về nước đóng góp cho quê hương và đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Số lượng trí thức NVNONN nói riêng và cộng đồng NVNONN nói chung trở về nước hoạt động ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sự gắn kết giữa lực lượng này với trong nước cũng như việc thu hút nguồn lực trí thức NVNONN đóng góp cho đất nước chưa được phát huy tối đa.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, trước hết là luật hóa Nghị quyết 36, trọng tâm là thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, trí thức có trình độ cao tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước... chúng ta cần tạo cơ chế để phát triển, nhân rộng các mô hình đầu tư - nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo chuyển giao công nghệ của kiều bào. Ngoài ra, là việc cập nhật thông tin, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho bà con về nước làm việc; đồng thời khuyến khích các đơn vị trong nước hợp tác với chuyên gia, trí thức kiều bào chuyển giao công nghệ mới và các dự án sáng tạo để thu hút đầu tư hay xuất khẩu sản phẩm trí tuệ...

Chỉ còn ít ngày nữa, hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 sẽ được tổ chức và đây là cơ hội để nhân lên những việc đã làm thành công, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đặc biệt trong nỗ lực để nguồn lực trí thức kiều bào được phát huy tối đa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Để làm tốt công việc này, hơn ai hết, mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước cần nhắc nhớ nhau rằng: Tổ quốc là của chung, không của riêng ai...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ quốc không của riêng ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.