Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ ong vò vẽ

Hoàng Lê| 14/08/2022 05:50

(HNMCT) - Từ ngày 6-8 đến ngày 6-9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm lắp đặt rào chắn cứng để phân luồng phương tiện ở cả hai chiều trên đường Nguyễn Trãi, đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân. Theo những gì đã được công bố, 2 làn đường sát vỉa hè được dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt; những làn đường còn lại dành cho ô tô; mục đích chính là giảm xung đột giữa các loại phương tiện giao thông chính.

Cho đến khi hàng rào phân cách được thiết lập thực tế trên đường kể từ 6h30 sáng 6-8, thông tin nói trên không “tạo sóng dư luận”. Mọi người tiếp nhận phương án mới một cách bình thường; một số báo đưa tin kèm bình luận, đại ý rằng tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi là việc bắt buộc phải làm, bởi sự lộn xộn, mức độ nguy hiểm đối với người tham gia giao thông và nạn ùn tắc đã ở mức không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi bắt đầu thí điểm tổ chức phân luồng bằng dải phân cách, rào chắn cơ động trên đường Nguyễn Trãi, dư luận trở nên ồn ào. Nhìn chung, ý tứ là phương án này chưa hiệu quả, thậm chí trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến có thể làm "nhụt chí" lực lượng chức năng với mục tiêu cơ bản được hiểu là phục vụ lợi ích cộng đồng: “Tắc vẫn hoàn tắc”, “vô bổ”, “vẽ chuyện”, “tốn tiền”. Định tội “ngay và luôn” dù việc thử nghiệm mới qua vài giờ đầu tiên và trên đường Nguyễn Trãi vẫn có vô số phương tiện không di chuyển theo quy định mới, phổ biến là xe máy đi vào làn đường dành cho ô tô, và ngược lại... Chứng kiến sự ồn ã đó, có người cười khổ viết trên trang cá nhân rằng, “chọc phải tổ ong vò vẽ rồi”.

Về sự bất cập diễn ra trên đường Nguyễn Trãi, không rõ vì sao dư luận thường nói về nạn ùn tắc trong giờ cao điểm mà ít đề cập tới nguy cơ tai nạn do cách tham gia giao thông bạt mạng, “bất kể làn đường dành cho ai” của nhiều người. Tôi thường đi bộ sang đường Nguyễn Trãi. Ở quãng nghỉ chân trên cầu vượt đoạn giữa Ngã Tư Sở và ngã ba Khương Đình - Nguyễn Trãi, nhìn từ trên cao xuống mới thấy nguy cơ tai nạn không hẳn xuất hiện vào giờ cao điểm - tắc đường và phương tiện di chuyển chậm, mà dễ xảy ra hơn khi đường quang. Khi đó, dù có vạch sơn phân làn riêng cho xe máy, ô tô nhưng nhiều người không tuân thủ. Lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu, ô tô và xe máy “cắn đuôi”, tạt đầu, vượt phải..., người muốn đi đúng không biết thế nào mà lần. Kết quả là có vụ xe tải đâm xe máy làm hai người tử vong; xe máy đâm thẳng vào người đi bộ gây thương tích nặng, thậm chí có khi làm chết hai người cùng lúc... Đó hẳn là lý do dẫn tới thái độ kiên quyết chấn chỉnh tình trạng xung đột giao thông giữa các loại phương tiện.

Tôi hiểu ít nhiều vì sao người ta ví hành động lần này như “chọc tổ ong”. Không phải bây giờ mà từ lâu, người Hà Nội gọi “Ngã Tư Sở” là “ngã tư khổ”; đường Nguyễn Trãi được ví như “đường làng” dù thuộc loại đường rộng, hiện đại. Đó là cách diễn đạt để thể hiện mức độ phức tạp của nút giao thông Ngã Tư Sở và tuyến đường Nguyễn Trãi, cách tham gia giao thông trên tuyến đường huyết mạch này của nhiều người tùy tiện như khi đi trên đường làng. Sự phức tạp đó không chỉ liên quan tới mật độ giao thông khủng khiếp, mà còn thể hiện qua số lượng không hề nhỏ ngõ phố giao cắt, lối rẽ, điểm quay đầu, qua hành vi tham gia giao thông sai luật định “như cơm bữa” của cả người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ. Tổ chức phân làn thế nào cho hiệu quả, làm sao để tránh xung đột khi cứ một đoạn lại có lối rẽ, lối quay đầu mà người và phương tiện cần phải chuyển làn? Đó không phải chuyện dễ!

Bởi vậy, trước khi đưa ra nhận định về thực trạng cải cách giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, mỗi người có thể xem lại ý thức tham gia giao thông của mình. Kế hoạch thí điểm của ngành Giao thông Hà Nội không thể cho ra đáp án chính xác - hiệu quả hay không hiệu quả - nếu sự hỗn loạn tiếp tục xảy ra. Nếu mỗi người đều từ tốn chấp hành quy định chung, không “ngang tắt vội ẩu” mà phương án tổ chức giao thông mới vẫn không ngăn nổi ùn tắc và sự bất tiện nói chung, âu đó cũng là bài học quý giá để cơ quan quản lý dứt khoát xem lại, điều chỉnh cách thức hành động.

Đường Nguyễn Trãi đúng là “tổ ong vò vẽ” không dễ chọc, nhưng cũng không thể thờ ơ trước thực trạng “khổ ải” đến mức không thể chấp nhận. Cơ quan quản lý đã “dũng cảm chọc tổ ong”, việc của mỗi công dân là tuân thủ luật pháp, ủng hộ quan điểm hành động vì lợi ích cộng đồng. Những đúng - sai, hợp lý hay không vì thế mới có thể rõ ràng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ ong vò vẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.