(HNMO) - Chiều 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật này để phù hợp với thực tế, góp phần phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, nhiều kiến nghị đã được Ban soạn thảo tiếp thu, giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc của Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó thay đổi được thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, thành viên liên kết trong hợp tác xã có thể góp vốn hoặc không góp vốn, mà chỉ phải trả phí liên kết, như vậy tạo điều kiện cho thành viên được linh hoạt hơn. Ngoài ra, dự thảo luật cũng tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã quy mô nhỏ, phù hợp với đơn vị kinh tế hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường; thay đổi về chính sách hỗ trợ, đi kèm với điều kiện để được thụ hưởng chính sách, giúp hợp tác xã hoạt động tốt được hưởng nhiều chính sách hơn...
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là luật lớn, liên quan nhiều đối tượng, do đó, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” thay vì đề xuất đổi tên thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” theo đề nghị của Chính phủ. Đối với quy định về góp vốn của thành viên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm bởi nội dung dự thảo chưa rõ là áp dụng cho một thành viên chính thức hay một nhóm thành viên chính thức. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cho viên chức được tham gia điều hành hợp tác xã để tạo sự khác biệt giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần nhất quán trong quan điểm giữ nguyên tên gọi luật như trước đây là Luật Hợp tác xã, bởi dự án luật không thay đổi về phạm vi điều chỉnh, hợp tác xã vẫn là đối tượng chủ đạo trong luật. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng, quy định tại dự thảo luật hiện nay chưa đủ rõ ràng và còn sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã; các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã chưa bảo đảm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và quản trị hợp tác xã.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, dự thảo luật lần này có quy định về Tổ hợp tác nhưng lại quy định tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân. “Tổ hợp tác cần có tư cách pháp nhân vì hiện nay, họ cũng ký hợp đồng, hợp tác làm ăn với các tổ chức, nếu không có pháp nhân thì họ không thể làm ăn được, không ai dám ký kết hợp đồng nếu tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân”, đại biểu nhấn mạnh.
Về Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) đề nghị làm rõ nguồn hình thành và cơ chế vận hành, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ ở trung ương và cấp tỉnh. Nếu không làm rõ cơ chế sẽ dẫn đến sự chồng chéo với các thiết chế tài chính khác, gây lãng phí. Đối với quy định về Liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thí điểm trước sau đó mới xem xét việc luật hóa vì mô hình này vừa có tư cách pháp nhân như một tổ chức kinh tế song lại có mô hình như một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Cần tiêu chí đánh giá chính xác mức độ thảm họa, sự cố
Thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự cần thiết đối với việc ban hành Luật. Đại biểu kiến nghị dự thảo luật cần nghiên cứu một cách toàn diện hơn để đưa nội dung phòng thủ dân sự phải là một bộ phận trong phòng thủ đất nước; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung nội dung phòng, chống dịch bệnh dưới góc độ phòng thủ dân sự vào dự thảo luật. Cùng với đó, dự thảo luật cần đưa thêm nội dung thảm họa công nghệ. Trong đó, cần tách thảm họa hạt nhân làm một điều riêng, không nên gắn vào thảm họa chiến tranh nói chung. Bởi thực tế, những tác động của Chiến tranh Lạnh thời gian qua cho thấy nguy cơ này rất lớn, cùng với những thảm họa hạt nhân trên thế giới. Cùng với đó, cần bổ sung thảm họa môi trường vào dự thảo luật, vì khi xảy ra thì mức độ ảnh hưởng của nó còn lớn hơn chiến tranh, ví dụ như thảm họa thiên tai như hạn hán, lũ lụt, thiên thạch…
Đại biểu Phan Văn Xựng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) ủng hộ việc cần xây dựng chiến lược Quốc gia về phòng thủ dân sự. “Chúng ta không mong muốn xảy ra thảm họa sự cố, tuy nhiên, việc luật ban hành sẽ là sự chủ động chuẩn bị trước một bước trong điều kiện bình thường để có thể ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố gây ra”, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị, để luật không chồng chéo với các luật đã ban hành, cần rà soát kỹ lại một số nội dung có sự trùng lặp với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường...
Còn đại biểu Đặng Văn Lẫm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo giải trình, làm rõ quy định các tiêu chí, đặc điểm làm căn cứ xác định mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố còn có sự khác biệt đối với các văn bản pháp luật hiện hành. “Định lượng, định tính tốt thì mức độ đánh giá chính xác càng cao, từ đó đưa ra được các phương án ứng phó, khắc phục hiệu quả nhất”, đại biểu nói.
Đối với việc xây dựng công trình phòng thủ dân sự trong dự thảo luật, đại biểu Đặng Văn Lẫm cho rằng, cần kế thừa kinh nghiệm xây dựng công trình phòng thủ phòng, chống ngoại xâm và thiên tai, thảm họa của ông cha ta; kết hợp phát triển kinh tế trong thời bình gắn với thế trận khu vực phòng thủ tại địa phương. Đại biểu cũng đề nghị các công trình phòng thủ dân sự cần bảo đảm tính bền vững, kiên cố, xây dựng tại nơi thường xảy ra thảm họa, sự cố thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.