(HNMO) - Chiều 12-3, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về nội dung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12-3-2020.
Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối tượng áp dụng là khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19; các khoản nợ (gốc, lãi suất phát sinh) được tính kể từ ngày 23-1-2020 cho đến hết 3 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Số lượng khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do các tổ chức tín dụng xem xét, hướng dẫn cụ thể; trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập do dịch Covid-19.
Về miễn, giảm lãi, phí, tổ chức tín dụng quyết định theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp). Thời hạn cũng tính từ ngày 23-1-2020 đến hết 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là khách hàng sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Du, tổ chức tín dụng sẽ thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại, mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời, bảo đảm giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách này để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư được xây dựng theo cơ chế mở, tạo điều kiện cần thiết cho ngân hàng thương mại cho vay, giãn nợ hoặc khoanh nợ cho doanh nghiệp và người dân. Tổ chức tín dụng được chủ động, linh hoạt cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách…, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, lúc này chưa đặt ra việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ nhưng sẽ giám sát chặt chẽ để không xảy ra tiêu cực, nguồn vốn được đến đúng nơi.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm mức lãi suất điều hành, phí thanh toán cho các tổ chức tín dụng và thành viên tham gia thanh toán (phương án là có thể giảm tới 50% một số loại phí...).
“Đây là động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này nhằm giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí từ đó có thể giảm lãi suất và chi phí giao dịch đối với doanh nghiệp và người dân”, ông Đào Minh Tú thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngay sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, sẽ triển khai ngay việc rà soát, xem xét khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng công bố các gói tín dụng, hỗ trợ lãi suất lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.