Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp

Hương Ly| 18/10/2021 07:07

(HNM) - Dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động giải pháp để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, bên cạnh việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Ban đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh.

Công nhân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19 khi sản xuất tại Công ty Eurowindow, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội hiện nay là gì?

- Trên địa bàn thành phố hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 661 dự án đầu tư. Trong đó có 341 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 6,3 tỷ USD; 320 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 161.000 lao động.

Tính đến ngày 20-9-2021, có 535 doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt 80%); 126 doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động. Tổng số lao động tham gia sản xuất đến thời điểm trên là 110.000 lao động (đạt 68%). Trong đó, tổng số lao động đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 95% số người đang tham gia sản xuất.

Sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20-9-2021 về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, đến nay, tại các khu công nghiệp có 645 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, đạt tỷ lệ 97%.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp FDI đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các lao động chưa được tạo thuận lợi trong việc di chuyển giữa các địa phương... Các doanh nghiệp cũng phản ánh, mặc dù hiện nay Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã triển khai chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động trong thời gian “ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ), nhưng điều kiện để nhận được trợ cấp quá khó khăn, doanh nghiệp không kịp thời gian làm hồ sơ. Thêm vào đó, điều kiện để hưởng giá điện ưu đãi đối với doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên theo quy định hiện hành thì hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Hà Nội không đáp ứng được.

- Trước thực trạng này, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có những giải pháp gì nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp?

- Thông qua rà soát tại doanh nghiệp, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thống nhất chung điều kiện di chuyển đối với người lao động, tạo thuận lợi cho việc tham gia sản xuất. Ban cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu với Chính phủ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có nhu cầu được tổ chức làm thêm giờ, từ 200 đến 300 giờ/năm; kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm tiêu chí về kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD xuống mức 200 triệu USD để có nhiều doanh nghiệp có thể được hưởng ưu đãi về giá điện.

Ban cũng đã đề xuất với Liên đoàn Lao động thành phố kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam điều chỉnh quy định về thủ tục nhận hỗ trợ của người lao động tham gia sản xuất “ba tại chỗ”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động thực hiện. Cùng với đó, kiến nghị Sở Y tế Hà Nội sớm có hướng dẫn việc tổ chức xét nghiệm theo quy định; tham mưu UBND thành phố tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc xin phòng Covid-19 để tiêm mũi 2 đúng thời gian quy định đối với lao động trong các khu công nghiệp.

- Vậy, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện phương án sản xuất an toàn như thế nào, thưa đồng chí?

- Căn cứ vào tình hình thực tế, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp duy trì Ban Chỉ đạo và Tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó khi có người lao động xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh; ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; quản lý chặt chẽ người lao động, kể cả lao động của các nhà thầu phụ liên quan đến doanh nghiệp…

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng lao động đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19, hạn chế sử dụng lao động ngắn hạn, lao động thời vụ. Với trường hợp thuê lại lao động phải báo cáo và được sự đồng ý của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19; thành lập tổ xét nghiệm tự nguyện tại doanh nghiệp; thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn sản xuất.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.