(HNM) - Do gặp nhiều khó khăn, nên việc tổ chức lại hợp tác xã còn lúng túng, hiệu quả thấp, đòi hỏi các địa phương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo để mang lại lợi ích cho xã viên.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX Hà Nội, địa phương nào quan tâm tới công tác phát triển HTX, thì sẽ có thành công. Đơn cử như quận Đống Đa, tỷ lệ chuyển đổi HTX theo luật đạt 93%, các huyện: Mỹ Đức 88%, Thường Tín 82%, Thanh Oai 76%, Phú Xuyên 64%… Ông Trịnh Tiến Thìn, nguyên cán bộ HTX xã Vân Từ (Phú Xuyên) cho biết: Trong quá trình chuyển đổi, khó khăn lớn nhất đối với các HTX nông nghiệp là xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả để thu hút vốn góp của các thành viên. Bởi muốn HTX phát triển phải tham gia cung ứng mở rộng các loại dịch vụ vệ sinh môi trường, vật tư nông nghiệp, nước sạch, tìm đầu ra cho nông sản. "Sân thì rộng nhưng bước đi vẫn là ở con người. Nếu có giám đốc HTX giỏi thì ắt HTX sẽ phát triển được" - ông Thìn khẳng định.
Mô hình trồng nhãn tại HTX Nông nghiệp Lam Điền, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Khảo sát trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều địa phương chưa chú trọng và hỗ trợ HTX để chuyển đổi. Các mô hình dường như "giậm chân tại chỗ" nếu có chuyển đổi cũng "ì ạch". Một số huyện có tỷ lệ HTX chuyển đổi thấp như Đông Anh chỉ đạt 5%, Thạch Thất 7%... Đến cuối quý I-2016, trong tổng số 1.668 HTX, không kể 184 HTX ngừng hoạt động, Hà Nội chỉ có 482 HTX chuyển đổi xong theo luật, chiếm khoảng 32%, chưa có HTX nào chuyển đổi sang loại hình kinh tế khác. Ngoài ra, thành phố có 5 liên hiệp HTX thì 2 liên hiệp ngừng hoạt động và chưa liên hiệp nào tổ chức lại theo luật. Các huyện có HTX quy mô thôn như Ứng Hòa, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn chiếm tới trên 90% số HTX trên địa bàn, dẫn tới việc chuyển đổi hết sức khó khăn... Hiện tỷ lệ cung ứng dịch vụ của các HTX mới chỉ đạt từ 50% đến 68% cho các thành viên, số vốn góp quá ít và mang tính hình thức, chưa thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Điển hình như, tại huyện Thạch Thất, tỷ lệ HTX chuyển đổi thấp, đến nay chỉ có 3/42 HTX tổ chức lại chiếm 7%. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng nguyên nhân chính là khó khăn về đất đai, thiếu vốn, cán bộ, chế độ đãi ngộ hầu như không có… Do vậy, quan điểm của huyện Thạch Thất là làm chậm nhưng chắc, không để tình trạng "bình mới rượu cũ". Trong khi thành phố chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao và HTX đang thời hội nhập, nếu thành viên HTX chỉ góp vốn điều lệ 100.000-150.000 đồng, thì HTX không thể giải quyết được vấn đề gì...
Bà Đặng Thị Tươi, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Ứng Hòa nằm trong số 3 huyện (Ứng Hòa, Mê Linh, Đông Anh) của thành phố có nhiều HTX quy mô thôn, hiện có 32/120 HTX chuyển đổi xong, đạt 27%. Không chỉ do số HTX quy mô thôn quá lớn, các HTX tồn tại hình thức, nhiều HTX hoàn toàn có thể giải thể, nhưng cấp ủy, chính quyền cấp xã thiếu quan tâm. Trong khi đó tại các quận nhiều HTX tồn tại trên giấy không còn hoạt động nhưng vẫn chưa giải thể, xóa tên do công tác đối chiếu xác định nợ, chứng từ sổ sách của HTX không rõ ràng, tồn đọng về công nợ, tài sản của HTX chưa được giải quyết. Nếu như chuyển đổi theo luật mà chỉ làm ở các HTX thuận lợi, bỏ qua "các miếng xương xẩu" này thì công tác chuyển đổi chưa thực sự có ý nghĩa là một cuộc cách mạng "lột xác" cho khu vực HTX phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An, việc thực thi Luật HTX chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ tổ chức lại HTX đạt thấp do một số quận, huyện chưa vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương chậm ra nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí đến nay còn nợ 6 văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX 2012. Ông An cho biết, đợt chuyển đổi HTX lần thứ ba theo Luật HTX 2012 này đòi hỏi phải làm thực chất. Các quận, huyện cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo thực hiện tổ chức lại HTX theo luật. Hiện nay Liên minh HTX thành phố đang làm điểm 29 mô hình HTX chuyển đổi tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, các quận, huyện cần tổng kết để nhân rộng. Đến ngày 1-7-2016, Hà Nội phấn đấu đạt 40% số HTX hoàn thành chuyển đổi, còn lại 60% chủ yếu là những HTX quy mô nhỏ, khó khăn, hoạt động hình thức… nên giải pháp đưa ra là giải thể, chuyển sang tổ hợp tác hay loại hình kinh tế khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.