Đề nghị quý báo cho biết các tổ chức hưu trí ở địa phương được thành lập theo văn bản nào với chức năng, nhiệm vụ gì, do cơ quan, đoàn thể nào quản lý ? Phạm Quang Hướng (quận Cầu Giấy)
Đề nghị quý báo cho biết các tổ chức hưu trí ở địa phương được thành lập theo văn bản nào với chức năng, nhiệm vụ gì, do cơ quan, đoàn thể nào quản lý ?
Phạm Quang Hướng(quận Cầu Giấy)
Trả lời: Theo Thông tư số 15/TBXH ngày 18-7-1980 của Bộ Thương binh xã hội (nay là Bộ LĐ-TB&XH) hướng dẫn tổ chức quản lý, sinh hoạt của công nhân, viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tổ chức hưu trí ở cơ sở gồm có tổ hưu trí, ban liên lạc hưu trí ở cơ sở, ban đại diện hưu trí cấp huyện.
Tổ hưu trí được tổ chức theo đơn vị xã, phường và tương đương. Đây là một tổ chức sinh hoạt của công nhân, viên chức và quân nhân sau khi về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, kể cả những người về nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo các quyết định số 206 - CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 và số 174 - CP ngày 4 tháng 6 năm 1980 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ.
ở các xã, phường, nếu có từ 3 đến 30 người về nghỉ thì thành lập một tổ, nếu đông hơn thì chia ra 2, 3 ... tổ với mục đích: Bảo đảm sinh hoạt thường xuyên cho những người sau khi về nghỉ có điều kiện nắm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương, để tích cực thực hiện và vận động nhân dân thực hiện; xây dựng cuộc sống lành mạnh, giúp nhau khắc phục những khó khăn về đời sống, ngăn ngừa và chống mọi biểu hiện tiêu cực; động viên nhau phát huy mọi khả năng tham gia đóng góp xây dựng địa phương tùy theo điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và trình độ khả năng của từng người.
Tổ hưu trí có một tổ trưởng, một hoặc hai tổ phó do tổ bầu ra.
Tổ hưu trí sinh hoạt ít nhất 3 tháng một lần (nơi có điều kiện mỗi tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường).
Ban liên lạc hưu trí ở cơ sở được thành lập tại những xã có từ ba tổ hưu trí trở lên mà số người mỗi tổ quá đông.
Thành viên của ban liên lạc gồm các tổ trưởng tổ hưu trí.
Ban liên lạc hưu trí sinh hoạt 3 tháng một lần (khi cần có thể họp bất thường) để nghe phản ánh tình hình của các tổ hưu trí, tình hình nhiệm vụ của địa phương và bàn kế hoạch thống nhất để triển khai thực hiện trong các tổ hưu trí, trao đổi những vấn đề có liên quan đến các tổ hưu trí.
Tổ hưu trí và ban liên lạc hưu trí ở cơ sở sau khi được thành lập phải báo cáo với chính quyền cơ sở.
Ban đại diện hưu trí ở cấp huyện thành lập dưới hình thức hoạt động không chuyên trách, do hội nghị các đại diện ban liên lạc (hoặc tổ hưu trí ở những nơi chưa có ban liên lạc) bầu và được ủy ban nhân dân quận, huyện công nhận (những nơi chưa bầu được thì do ủy ban nhân dân tạm thời chỉ định).
Ban đại diện hưu trí có nhiệm vụ:
- Hỗ trợ cho ngành thương binh và xã hội trong việc tổ chức phổ biến chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, phổ biến tình hình thời sự, chính sách, nhiệm vụ chính trị của địa phương trong công nhân viên chức và quân nhân về nghỉ để nâng cao sự hiểu biết và từ đó vận động mọi người gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện.
- Góp phần xây dựng, củng cố và phát huy vai trò, tác dụng của các tổ hưu trí và ban liên lạc hưu trí ở cơ sở, tổ chức các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí bổ ích lành mạnh phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của người về nghỉ như thể dục chữa bệnh, tham quan, sinh hoạt câu lạc bộ, hiến kế cho địa phương, vận động tham gia các phong trào cách mạng của quần chúng, v.v....
- Đề xuất ý kiến giúp cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể ở huyện trong việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người về nghỉ.
- Thông qua các tổ và ban liên lạc, tập hợp ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức và quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động phản ánh lên cấp trên để có chủ trương biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Ban đại diện hưu trí cấp huyện sinh hoạt 3 tháng một lần; bộ phận thường trực sinh hoạt mỗi tháng một lần.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.