Thế giới

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương: Đối mặt với những thách thức mới

Thùy Dương 06/04/2024 - 06:36

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bước sang “tuổi 75” hôm 4-4. Từ 12 thành viên ban đầu, NATO đã liên tục mở rộng và lớn mạnh với sự tham gia gần đây của Phần Lan và Thụy Điển. Thế nhưng liên minh quân sự này đang phải đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine...

Năm 1949, 12 quốc gia cùng nhau ký Hiệp ước Washington - đánh dấu sự khởi đầu của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới. 75 năm sau đó, NATO đã mở rộng, kết nạp thêm 20 đồng minh.

Sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2-2022), NATO quyết tâm bằng mọi giá phải làm Nga thất bại về mặt chiến lược. Kết quả, Hội đồng NATO - Ukraine ra đời và các nước thành viên ra sức viện trợ quân sự cho Kiev, đẩy căng thẳng giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương lên đỉnh điểm.

Trợ lý Giám đốc quốc phòng và an ninh tại RAND Corporation (một tổ chức nghiên cứu của Mỹ) James Black nhận định. “Trong 2 năm xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, NATO đã phát triển lớn mạnh hơn, có nhiều tham vọng hơn trong phạm vi hoạt động, nhiều lực lượng hơn ở Đông Âu”. Việc tăng thành viên cũng khiến sức mạnh phòng thủ của NATO được thúc đẩy. Với chiến lược “Đông tiến”, từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự - quốc phòng, NATO thu hút các nước thuộc không gian hậu Xô Viết trở thành thành viên, qua đó triển khai lực lượng và vũ khí ở quy mô đáng kể tại sườn phía Đông giáp Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cũng đặt ra nhiều thách thức mà NATO phải đối mặt. Trước mắt là phải bảo đảm Ukraine không thua cuộc. Các thành viên liên minh đã ủng hộ Kiev - quốc gia đang nỗ lực gia nhập NATO - bằng cách gửi cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD. Nhưng nguồn cung đó hiện đã giảm dần do nguồn hỗ trợ quan trọng của Mỹ vẫn bị cản trở bởi bất đồng chính trị. Ở tiền tuyến, các lực lượng thiếu vũ khí của Ukraine đã bị đẩy vào thế yếu.

Trong cuộc họp 2 ngày vừa kết thúc tại Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng NATO đã thảo luận về việc thành lập một quỹ viện trợ cho Kiev trị giá khoảng 100 tỷ euro trong 5 năm. Nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ liệu quỹ này có được các thành viên NATO chấp nhận hay không, khi Hungary đã ra tín hiệu phản đối và các thành viên khác cảnh báo không nên lặp lại các nỗ lực viện trợ song phương và của Liên minh châu Âu cho Kiev.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đang thúc đẩy liên minh tham gia trực tiếp hơn vào việc điều phối chuyển giao vũ khí, song đây là việc mà nhiều quốc gia đã từ chối thực hiện vì lo ngại họ có thể bị đẩy vào một cuộc chiến với Nga. Có thể thấy, hơn 2 năm sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, việc NATO sẵn sàng cho cuộc chiến quy mô lớn vẫn ở mức thấp là điều không thể phủ nhận. Là một liên minh phòng thủ, như Điều 5 của Hiến chương NATO quy định nên khối quân sự này sẽ không tự nguyện tham gia xung đột trừ khi cộng đồng quốc tế yêu cầu.

Thực tế cho thấy, Nga không phải là mối lo ngại duy nhất đối với NATO. Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng cũng là một mối đe dọa với liên minh này. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Donald Trump tuyên bố sẽ không bảo vệ bất kỳ đồng minh NATO nào từ chối tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội, như những gì đã được thông qua vào năm 2014. Trong chiến dịch tái tranh cử lần này, cựu Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại tuyên bố kể trên. Các nhà lãnh đạo châu Âu, chiếm phần lớn thành viên NATO, không chỉ lo lắng về tương lai của liên minh nếu ông Donald Trump đánh bại Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vào tháng 11, mà còn cả việc đảng Cộng hòa tiếp tục trì hoãn gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine tại Quốc hội. Trước những thách thức nêu trên, các đồng minh phải thể hiện quyết tâm, tái cam kết với mục tiêu cốt lõi của NATO và tìm kiếm các giải pháp cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh của khối tại Washington (Mỹ) vào tháng 7 tới.

Trải qua 75 năm tồn tại, NATO ngày nay là một tổ chức khác xa so với năm 1949. Liên minh đã lớn hơn và đa dạng hơn nhưng vẫn tiếp tục giữ phương châm phòng thủ tập thể và một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là tấn công vào tất cả. Thế nên NATO vẫn cần tập trung vào việc ngăn chặn và quản lý khủng hoảng cũng như hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương: Đối mặt với những thách thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.