Hôm nay (24-2), tròn hai năm xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trái với một số dự đoán ban đầu rằng Mátxcơva sẽ nhanh chóng chiếm được Kiev nhưng cho tới thời điểm này, thủ đô của Ukraine vẫn chưa thất thủ.
Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine ngày càng khốc liệt và triển vọng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vẫn vô cùng ảm đạm.
Khi hai bên bước sang năm thứ ba của cuộc chiến, giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt. Một số chuyên gia cảnh báo tương lai sẽ rất ảm đạm đối với Ukraine - đất nước hơn 40 triệu dân, nhưng hơn 14 triệu người đã phải di dời khỏi quê hương. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc hôm 22-2 công bố số liệu cho thấy, gần 6,5 triệu người đang sống ở nước ngoài với tư cách là người tị nạn. Cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá bởi những đợt tấn công không ngừng của pháo binh và tên lửa. Nền kinh tế yếu nhất châu Âu trước chiến tranh đã rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Với cuộc chiến này, Tổng Giám đốc IOM Amy Pope nhận định: “Sự tàn phá lan rộng, mất mát về nhân mạng và đau khổ vẫn tiếp tục”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết sẽ lấy lại những vùng đất mà Nga đang chiếm giữ, ước tính gần 20% lãnh thổ Ukraine. Thế nhưng, việc thành phố Avdiivka ở phía Đông Ukraine vừa rơi vào tay quân đội Nga, đã đánh dấu một bước ngoặt của cuộc chiến trong nhiều tháng. Quân đội Ukraine rơi vào tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược trong khi các nhà lập pháp Mỹ vẫn tranh cãi về nguồn tài trợ cho Kiev.
Các nhà phân tích cho rằng, so với năm ngoái, Ukraine phải đối mặt với hai thách thức. Về mặt quân sự, các phòng tuyến phần lớn thiếu sức chống đỡ, phần nào lợi thế đang thuộc về quân đội Nga. Về mặt chính trị, phương Tây và đặc biệt là Mỹ đã phải vật lộn để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine duy trì cuộc chiến. Kiev không thể xoay chuyển tình thế trên chiến trường nếu không có nguồn viện trợ này. Để có thêm viện trợ, Ukraine phải chứng minh cho những người hoài nghi rằng, nước này có thể giành chiến thắng và điều đó ngày càng xa tầm với. Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc Washington đình chỉ hoàn toàn viện trợ cho Ukraine khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu Quốc hội Mỹ không cho phép bất kỳ khoản hỗ trợ bổ sung nào, thì đây sẽ là một đòn chí mạng đối với Kiev và là một cú sốc địa chấn đối với uy tín và sự gắn kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này cũng đồng nghĩa với một chiến thắng của Nga.
Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gói hỗ trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine từ nay đến năm 2027. Vương quốc Anh - quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực cũng cam kết cấp hơn 15 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2022. Dẫu vậy, áp lực về chi tiêu sẽ trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Giám đốc Chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House - James Nixey cho biết, 2024 sẽ là năm khó khăn nhất đối với Ukraine và nhấn mạnh rằng chỉ duy trì sự hỗ trợ của phương Tây mới có thể ngăn chặn những thất bại tiếp theo. Tuy nhiên, “cuộc bầu cử ở Mỹ cuối năm nay, với khả năng cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ gây ra biến động chính trị có thể làm lung lay các cam kết”, ông James Nixey nói.
Trong khi đó, nước Nga cũng không tránh khỏi những thiệt hại từ cuộc xung đột. Nền kinh tế đã bị cản trở bởi Mỹ và phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ. Điều này buộc Điện Kremlin phải định hướng lại nước Nga theo hướng nền kinh tế chiến tranh, nâng chi tiêu quốc phòng lên 7,5% GDP...
2024 sẽ là một năm mang nhiều ý nghĩa đối với cuộc xung đột, khi Ukraine quyết tâm chiến đấu để giành lại lãnh thổ, còn Nga dù bày tỏ mong muốn đàm phán để chấm dứt giao tranh nhưng cảnh báo sẽ giữ vững lợi ích của mình. Giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt trên khắp chiến trường, các tổ chức nhân đạo cảnh báo, 14,6 triệu người Ukraine cần được hỗ trợ nhân đạo trong năm nay.
Sau hai năm xung đột, không bên nào có khả năng giành được thắng lợi nhanh chóng trên chiến trường, hầu hết giới phân tích cho rằng, giao tranh sẽ tiếp tục ít nhất đến năm 2025 nếu không có bước ngoặt bất ngờ nào và gây ra nhiều thương vong cho dân thường. Do vậy, đàm phán để giải quyết cuộc chiến là giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.