Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình yêu với ẩm thực Việt

Đình Hiệp - Quang Huy| 11/02/2016 08:43

(HNM) - Lần đầu tiên một cuốn sách giới thiệu 40 món ăn đặc trưng của Hà Nội bằng tiếng Nhật ra mắt độc giả Việt Nam. Tác giả cuốn sách - bà Naomi Mutsuya - phu nhân của Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Mori Mutsuya muốn gửi đến một thông điệp giao lưu văn hóa qua ẩm thực giữa người dân hai nước nhân dịp Tết cổ truyền 2016.

Bà Naomi Mutsuya và ông Mori Mutsuya giới thiệu cuốn sách về hướng dẫn cách nấu món ăn của Hà Nội.


Yêu thích những món ăn Hà Nội...

Đến Hà Nội cách đây gần 3 năm, bà Naomi Mutsuya đã dành nhiều tâm huyết để viết cuốn sách hướng dẫn nấu các món ăn đặc trưng của Hà Nội bằng tiếng Nhật. Cuốn sách vừa được ra mắt độc giả và bà luôn để ở vị trí trang trọng ngay cạnh bàn ăn trong nhà.

Bà Naomi Mutsuya cho biết: "Ý tưởng viết cuốn sách xuất phát từ đầu bếp nấu ăn cho gia đình tôi là chị Ngọc Ái - người đã tham gia chương trình truyền hình thực tế Vua đầu bếp Việt Nam năm 2014. Với đam mê các món ăn Việt Nam, tôi lập tức nhận lời và cùng hợp tác với chị ấy để hoàn thành cuốn sách hướng dẫn cách nấu các món ăn của Hà Nội bằng tiếng Nhật này. Việc viết cuốn sách là cơ hội để tôi hiểu được cách chế biến các món ăn và nghe các câu chuyện thú vị của văn hóa ẩm thực".

Với sự hướng dẫn của đầu bếp Ngọc Ái, cuốn sách hơn 100 trang này là kết tinh của tình yêu nghệ thuật ẩm thực của người phụ nữ Nhật Bản đối với Việt Nam. Bên cạnh các công thức chế biến, hướng dẫn cách nấu các món ăn của Hà Nội, cuốn sách còn giới thiệu với độc giả những hình ảnh về cuộc sống đời thường của Việt Nam qua các món ăn. Bà Naomi Mutsuya chia sẻ: "Điều tôi thích nhất ở các món ăn Việt Nam là hương vị. Các món ăn Việt không quá cay, không quá nhiều dầu mỡ và có cảm giác thanh mát với nhiều loại rau, củ quả được chế biến trong từng món ăn".

Cùng giúp vợ chuẩn bị các món ăn cũng như chụp ảnh cho cuốn sách, ông Mori Mutsuya cho biết: "Các món ăn Việt Nam có phong cách chế biến giống như người Nhật Bản, từ cách chế biến đến chọn nguyên liệu. Điều này chứng tỏ triết lý nấu ăn của người Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tương đồng". Bà Naomi Mutsuya cho biết, ở Nhật Bản hiện có rất nhiều cửa hàng ăn của Việt Nam và giá cả các món ăn Việt ở đây khá đắt. Do vậy, cuốn sách này cũng là một cách để người Nhật có thể tham khảo tự nấu các món Việt tại nhà.

...và không khí Tết Việt

Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông Mori Mutsuya tại Việt Nam nên ông có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hào hứng chia sẻ cảm nhận về không khí chuẩn bị cũng như phong tục đón Tết cổ truyền của người dân Hà Nội, ông Mori Mutsuya nói: "Phong tục đến thăm bạn, chúc tuổi người thân trong dịp đầu năm là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Điều này cũng giống với người Nhật Bản. Mặc dù xã hội càng phát triển nhưng tôi mong rằng người Việt Nam vẫn sẽ giữ những truyền thống ý nghĩa này trong dịp Tết".

Cùng với những nét tương đồng, ông Mori Mutsuya cũng nhận thấy những khác biệt trong văn hóa của hai nước. "Mỗi lần được mời đến nhà bạn người Việt Nam ăn cơm tôi rất vui. Tuy nhiên tôi lại cảm thấy có lỗi với chủ nhà vì họ phải chuẩn bị quá nhiều món ăn. Vì thế, chúng tôi phải có nghĩa vụ ăn hết các món ăn đó - dù rất nhiều", ông Mori Mutsuya cười nói. Ngoài ra, theo ông, cách chuẩn bị Tết của người Việt Nam với Nhật Bản cũng khác nhau. Hiện nay người Nhật thường chuẩn bị đón năm mới từ trước đó 3 ngày, trong khi người Việt Nam có thể phải chuẩn bị từ trước đó cả 2 tuần. Trong khi người Nhật, đặc biệt là giới trẻ thích đi du lịch trong những ngày Tết, thì ở Việt Nam lại dành thời gian đoàn tụ bên gia đình.

Còn với bà Naomi, Tết ở Hà Nội đến từ những con phố luôn tất bật người qua lại. Sau đó là một không khí bận rộn ở từng nhà với việc trang trí, dọn dẹp, nấu nướng. "Như bao người Việt, tôi cũng chuẩn bị trước mấy ngày để trang hoàng nhà cửa sạch đẹp và đồ ăn để đón khách", bà nói.

Ông Mori Mutsuya cho rằng dù không khí đón Tết ngày càng thay đổi khi cuộc sống trở nên gấp gáp hơn nhưng ngày lễ này vẫn giữ được những nét truyền thống đặc biệt. Điều ông thích nhất trong những ngày Tết ở Hà Nội là được ngắm những cây quất, loại cây mà Nhật Bản không có. Với tình cảm và sự gắn bó với Việt Nam, ông mong muốn sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước hình chữ S cũng như mối quan hệ đối tác thân thiết Nhật - Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu với ẩm thực Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.