Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình trạng kỳ thị người gốc Á tại Mỹ: Vấn nạn nhức nhối

Minh Hiếu| 24/03/2021 06:33

(HNM) - Tình trạng kỳ thị với người gốc Á đang trở thành một trong những thách thức hàng đầu và có nguy cơ lan rộng tại Mỹ. Riêng từ ngày 1-1 đến 28-2, đã có ít nhất 503 vụ việc được ghi nhận. Trước vấn nạn nhức nhối này, nhiều tiếng nói đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cần hành động quyết liệt để sớm xóa bỏ các hành động phân biệt chủng tộc, đặc biệt là với người Mỹ gốc Á.

Người dân đặt hoa bên ngoài một tiệm spa ở bang Georgia để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 16-3 vừa qua.

Cuối tuần qua, hàng trăm người đã tụ tập tại thành phố Atlanta thuộc bang Georgia và nhiều khu vực khác để phản đối tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực chống lại người gốc Á. Nhiều người giơ cao khẩu hiệu “Chúng tôi cũng là người Mỹ”, “Ngừng thù ghét người gốc Á”. Các cuộc tuần hành diễn ra sau vụ xả súng tại 3 tiệm spa hôm 16-3 khiến 8 người thiệt mạng. Động cơ của vụ xả súng vẫn chưa được khẳng định có liên quan đến phân biệt chủng tộc hay không, song việc có tới 6 nạn nhân là phụ nữ gốc Á như “giọt nước tràn ly” khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á lo lắng và phẫn nộ.

Người có nguồn gốc châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương (AAPI) vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực tại Mỹ. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, bên cạnh các thách thức về y tế và kinh tế, vấn đề kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đặc biệt là với người Mỹ gốc Á có xu hướng tăng rõ rệt. Theo tờ The Washington Post, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% ở 16 thành phố lớn của Mỹ vào năm ngoái, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, nơi có đông người gốc Á sinh sống.

Theo báo cáo của Stop AAPI Hate (một tổ chức được lập ra để vận động chấm dứt phân biệt đối xử nhằm vào nhóm AAPI), từ ngày 19-3-2020 đến 28-2-2021, tổ chức này đã ghi nhận tổng cộng 3.795 vụ kỳ thị đối với người gốc Á trên toàn nước Mỹ. Riêng từ ngày 1-1 đến 28-2, đã có ít nhất 503 vụ việc được ghi nhận. Các hình thức kỳ thị gồm lăng mạ, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến và các hành vi vi phạm quyền công dân. Mặc dù số vụ việc được báo cáo này có thể chỉ chiếm một phần nhỏ so với thực tế, song nó cũng đã cho thấy mức độ phổ biến của tâm lý phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á và các kiểu kỳ thị mà họ phải đối mặt.

Phó Tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử xứ Cờ hoa Kamala Harris thừa nhận, phân biệt chủng tộc cùng chứng bệnh bài ngoại là có thật ở Mỹ và khẳng định, lãnh đạo Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn, mà sẽ luôn lên tiếng chống lại bạo lực cùng các tội ác xuất phát từ lòng căm thù và phân biệt đối xử. Sau cuộc gặp với các lãnh đạo cộng đồng gốc Á ở Georgia, Tổng thống J.Biden cũng đã cam kết, tâm lý thù hằn chủng tộc sẽ không có bến đỗ an toàn ở nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đang thúc giục Quốc hội nước này thông qua đạo luật về tội ác thù hận đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương cải thiện việc báo cáo các tội phạm thù hận và bảo đảm thông tin về tội ác thù hận dễ tiếp cận hơn với các cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Giáo sư Russell Jeung từ Đại học bang San Francisco, cũng là nhà đồng sáng lập Stop AAPI Hate nhận định, số vụ kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á sẽ không giảm bớt, trừ khi có yêu cầu hành động cụ thể. Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố những hành động tấn công do kỳ thị nhằm vào người gốc Á là hành động tội ác và sẽ phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để điều tra, truy tố. Nhiều phong trào, tổ chức bảo vệ người châu Á cũng được hình thành trên khắp nước Mỹ nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi đoàn kết, lên án và chung tay ngăn chặn các hành động thù hận, phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng kỳ thị người gốc Á tại Mỹ: Vấn nạn nhức nhối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.