(HNM) - Bộ phim
Phim tái hiện giai đoạn hoạt động cách mạng đầy gian khó của người thanh niên cộng sản Nguyễn Ái Quốc, sau khi thoát khỏi Hồng Kông, sang Hạ Môn, Thượng Hải để trở lại nước Nga. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Triệu Tuấn - đồng đạo diễn với Phạm Đông Vũ (Trung Quốc).
Một cảnh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”. |
- Khác với phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", lần này, Hãng phim Hội Nhà văn mời đạo diễn và êkíp nước bạn cùng thực hiện bộ phim này. Ngoài khoảng cách ngôn ngữ, các ông vượt qua những rào cản khác ra sao?
- Trong quá trình quay, tôi và đạo diễn Phạm Đông Vũ thống nhất, có gì cần trao đổi thì sau mỗi cảnh quay vì cắt ngang làm ảnh hưởng tới tiến độ và không khí đoàn phim. Việc có hai đạo diễn rất dễ xảy ra tình trạng "một núi hai hổ", bất đồng ngôn ngữ càng dễ dẫn đến cãi cọ, nổi nóng… Vì vậy, chúng tôi thống nhất các phương án để ngày mai làm tiếp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Vì thế nên ra hiện trường, mọi việc đều chạy, không sửa bất kỳ câu thoại nào, có chăng là một vài từ. Diễn viên chính phải học thuộc lời thoại và dậy từ 4 giờ sáng để hóa trang và khi vào quay không phải nhắc lời. Nói chung phía bạn đảm nhận rất tốt các phần việc đã thỏa thuận.
- Kịch bản được duyệt và chỉnh sửa khá nhiều lần và từng có dự thảo xây dựng phim theo hướng hành động, trinh thám. Vậy, kết cục bộ phim sắp tới theo hướng nào, thưa ông?
- Kịch bản gốc là câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc củng cố các cơ sở cách mạng của Việt Nam ở đây. Sau khi được luật sư người Anh cãi trắng án, Người vượt qua rắc rối ở Thượng Hải để đến với nước Nga. Dự án này được Nhà nước tài trợ 12 tỷ đồng, còn 4 tỷ đồng nữa phải tự huy động nên có ý kiến đề xuất, cần đẩy yếu tố hành động cao hơn để thu hút khán giả ngoài rạp, nhằm bù đắp kinh phí. Song Hội đồng duyệt kịch bản và hãng phim thống nhất, tinh thần chung của phim là ngợi ca tài trí, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc nên không quá sa đà các pha hành động, mạo hiểm. Tinh thần Nguyễn Ái Quốc đóng vai trò trọng tâm, yếu tố hành động chỉ là phụ trợ nhằm tăng thêm sự hấp dẫn.
- Yếu tố tình cảm được khai thác trong phim ra sao, thưa ông?
- Đó là tình yêu đơn phương của Phương Thảo (do NSƯT Mỹ Uyên đóng) với Nguyễn Ái Quốc. Nhưng không chỉ Phương Thảo mà rất nhiều người đều dành tình cảm yêu mến và cảm phục con người và nhân cách Nguyễn Ái Quốc, ngay cả người lái xe cho mật thám Pháp cũng nể trọng Người. Phim có nhiều đoạn cảm động, như lúc anh em Phương Thảo gặp nhau sau nhiều năm xa cách và nhớ về những kỷ niệm hồi bé hai anh em phải đi ăn xin. Họ gặp lại trong cảnh trái ngang, em đem lòng yêu Nguyễn Ái Quốc, chăm sóc và bảo vệ Người thì anh lại đang theo dõi và tìm cách hãm hại Nguyễn Ái Quốc. Công tâm mà nói, diễn viên Trung Quốc diễn xuất có chiều sâu và làm việc với tinh thần hết sức nghiêm túc…
- Ngoài một số cảnh quay tại Việt Nam, các cảnh Hội An và Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1920 đều dựng tại trường quay Hoành Điếm cùng với việc đạo diễn Phạm Đông Vũ chỉ đạo toàn bộ các cảnh quay dẫn đến không ít lo ngại sự nhạt nhòa của màu sắc dân tộc trong phim?
- Chúng tôi đã tính toán rất kỹ khi dựng các cảnh quay này tại phim trường Hoành Điếm. Vì bối cảnh trong phim là Việt Nam những năm 1920 nên nếu làm trong nước sẽ mất thời gian và tốn kém hơn. Ta chưa có đội ngũ chuyên nghiệp làm việc này và có thể không có đủ những vật liệu phù hợp để dựng cảnh như phía bạn. Điều quan trọng khác là đường phố bây giờ và cảnh quan hai bên đường trong nước không hoang sơ như trước, hậu cảnh thế nào cũng đụng nhà cao tầng rồi dây điện nhằng nhịt. Trong khi, trường quay của phía bạn có những khu phố hai tầng na ná như phố "Tàu" ở Việt Nam thời xưa. Còn Hội An dù được bảo tồn khá tốt nhưng cũng không giống ngày xưa, hơn nữa đoàn phim đưa hàng trăm người đến đó quay giữa phố xá du lịch người người tấp nập ấy chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy, ngăn đường để quay là việc khó khả thi, chưa nói đến các thủ tục rườm rà có liên quan…
Tôi khẳng định, bộ phim thể hiện linh hồn Việt, dù tạo dựng không khí những năm 1930 ở Thượng Hải hay thành phố cảng Hạ Môn. Cảnh quay về Việt Nam thì người Việt trong phim đều rất Việt Nam: quần nâu, đi chân đất, nếu có đi giày thì giày cỏ chứ không đi giày vải, quần xắn móng lợn… Chúng tôi chở đạo cụ từ Việt Nam sang, từ vại gốm Hương Canh đến các vật dụng sinh hoạt gồm: chén, bát, quạt… và đặc biệt là chuẩn bị đầy đủ đồ lễ thờ cúng (bánh chưng, hoa quả) để dựng một bàn thờ tổ tiên trong phòng ở của Nguyễn Ái Quốc để quay cảnh đón giao thừa tại nước bạn. Chúng tôi luôn có ý thức giữ tinh thần văn hóa Việt cho từng cảnh quay.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.