(HNM) - Uống rượu với người Việt từ xa xưa được coi là một nét nghệ thuật ẩm thực thanh tao. Nhưng thật tiếc, gần đây càng ngày nét văn hóa ấy càng trở nên xô bồ, lệch lạc. Theo một thông tin mới đây được Bộ Y tế đưa ra thì mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,1 tỷ lít bia, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 10 ở châu Á về sử dụng rượu, bia. Đây là con số đáng để suy ngẫm một cách nghiêm túc, từ đó có những điều chỉnh, ngay từ mỗi cá nhân.
Nếu như thời xưa uống rượu là để thưởng thức, cho những cuộc đàm đạo thêm dư vị thì ngày nay việc sử dụng rượu, bia ngày càng thái quá, tạo nên một trào lưu xấu trong văn hóa người Việt. Cách uống rượu cũng đã biến đổi, không còn tế nhị, giao hòa như trước mà người ta dùng rượu để thể hiện bản thân, để lấy hưng phấn, thậm chí để nịnh nọt, bàn công việc, lấy lòng nhau... Thưởng thức rượu từ chỗ là một nét văn hóa đã bị biến tướng, lệch lạc.
Đáng nói, đối tượng lạm dụng rượu bia không còn là những người “rảnh việc” mà nó xâm lấn cả vào nhiều công sở. Ở không ít cơ quan dù đã cấm cán bộ, nhân viên uống rượu, bia vào giờ ăn trưa, trong giờ làm việc, song người ta vẫn phá lệ, tìm mọi cớ để uống rượu, từ sinh nhật tới liên hoan, hội họp; cả trưa, chiều, tối. Từ Bắc vào Nam các quán nhậu luôn đông khách. Và hậu quả của lạm dụng rượu, bia thì ai cũng biết, khi “ma men đưa đường chỉ lối” không chỉ nguy hại về sức khỏe, hạnh phúc gia đình, mà còn tác động về kinh tế - xã hội, là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm mất trật tự an ninh, tăng tỷ lệ tai nạn giao thông.
Trên thực tế, sự biến tướng của nét văn hóa ẩm thực tinh tế này đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Nếu không có hành động quyết liệt thì hệ lụy sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi nạn nhân của rượu, bia đang trẻ hóa, xâm lấn vào lứa tuổi thanh niên vốn là thế hệ tương lai của đất nước. Có rất nhiều lý do để một đất nước chậm phát triển, và trong đó chính sự sa đà, lãng phí thời gian, sức lực, trí tuệ và cả tiền bạc vào bia, rượu.
Để phòng tốt nhất ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đến con người và xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc sản xuất, buôn bán và sử dụng rượu, bia; thực hiện nghiêm quy định giới hạn độ tuổi được phép mua rượu; tăng thuế nhằm nâng giá thành; xử phạt nghiêm khắc hành vi khuyến khích sử dụng rượu, bia… Đặc biệt là cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những người sử dụng rượu, bia có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng, ví dụ như lái xe khi đã uống rượu...
Hiện nay, trong các biện pháp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bao gồm 3 biện pháp quan trọng hiệu quả nhất là: Hạn chế tính sẵn có, kiểm soát quảng cáo và chính sách liên quan đến thuế và giá. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được kỳ vọng là công cụ pháp lý quan trọng ngăn ngừa sự tác động xấu của loại đồ uống này đối với xã hội. Nhưng quan trọng hơn vẫn phải là tác động, thay đổi từ ý thức của cộng đồng. Mỗi người phải thấu hiểu văn hóa sử dụng rượu, bia là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực. Uống rượu không còn là “chuyện riêng” mà nó có thể làm ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đồng. Do đó, mỗi người khi nâng ly rượu, cốc bia hãy tỉnh táo và biết điểm dừng!
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới, nhu cầu sử dụng rượu bia, chúc tụng năm mới sẽ tăng lên. Mỗi người càng cần có ý thức, tỉnh táo, biết điểm dừng để niềm vui ngày Tết thực sự trọn vẹn, khởi đầu cho một năm yên lành, hanh thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.