(HNM) - Người mẹ ấy đã 97 tuổi, nằm trên giường bệnh lúc nhớ lúc quên nhưng ngày nào cũng hỏi:
Những cựu chiến binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B trong ngày hội ngộ 13-12-2015. |
Nhà có 9 người con nhưng bao năm mẹ chỉ đau đáu một niềm, thằng con thứ năm của mẹ hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, không biết nằm lại nơi đâu ở vùng đất chang chang nắng gió Quảng Trị sau những trận đánh ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Suốt 8 năm nằm liệt giường như cọng cây khô, đến khi đồng đội cũ của con tìm về tận nhà anh Thắng, thắp nén hương cho con trai mẹ, mẹ mới yên lòng nhắm mắt…
Câu chuyện đi tìm phần mộ của liệt sĩ Ngô Văn Thắng quê ở Thanh Liêm, Hà Nam cho đến hôm nay vẫn được những người đồng đội của anh ở Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B nhắc nhớ mỗi lần gặp mặt. Ngô Văn Thắng cũng như hàng trăm chiến sĩ của Trung đoàn 64 đã hy sinh vào mùa hè năm 1972, nhiều người vẫn còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa, để lại nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng những người trở về. Và cũng bởi nhiều năm nay, gia đình anh Thắng, nhất là vợ chồng người em trai thứ bảy - anh Ngô Trung Hà và chị Hoàng Thị Thủy đã đi không biết bao nơi để tìm kiếm thông tin về anh trai mình.
Trên những chặng đường không biết mệt mỏi ấy, họ gặp những đồng đội cũ của liệt sĩ Ngô Văn Thắng và vô tình trở thành sợi dây kết nối giữa nhiều người lính đã từng vào sinh ra tử cùng nhau mà về giữa thời bình, vì mối lo cơm áo, vì điều kiện chiến tranh giấy tờ thất lạc, họ ít có cơ hội được gặp lại nhau. Cũng chính trên những chặng đường ấy, họ hiểu hơn tình người ở lại với những người đã hy sinh mãi tràn đầy.
Dù cuộc sống thường ngày vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tấm lòng của những cựu chiến binh với đồng đội, đồng chí đã ngã xuống khiến thân nhân liệt sĩ cảm thấy được an ủi rất nhiều. Anh Hà và chị Thủy đã nhận được sự giúp đỡ vô cùng tận tình, chu đáo của các thành viên Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 64 và nhiều cựu chiến binh mà họ chưa từng gặp mặt, để rồi mỗi khi nhắc đến, chị Thủy không khỏi rưng rưng xúc động… Cũng vì cái tình ấy, anh chị giờ đã thành "người nhà" của Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 64, thay anh trai mình kết nối những đồng đội cũ cùng tìm về ngôi nhà chung Trung đoàn 64 xưa, cùng chia sẻ những buồn vui, lo toan trong cuộc sống thường ngày…
Anh Hà, chị Thủy hiện đã nghỉ hưu, sống ở một ngôi nhà xinh xắn trong Ngõ 122, phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ngôi nhà này thường xuyên được đón những đồng đội cũ của anh Thắng ở Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình… về thăm. Chị Thủy là con gái Làng Cót, quãng đời làm dâu đã 30 năm của người phụ nữ "coi việc nhà chồng hơn việc nhà đẻ" cùng cái tâm với người đã khuất, chị mong mỏi tìm được mộ phần liệt sĩ Ngô Văn Thắng không kém gì chồng mình - anh Ngô Trung Hà.
Hầu hết chuyến đi về những nơi từng diễn ra các trận chiến đấu cam go, ác liệt của Trung đoàn 64 tại chiến trường Quảng Trị năm xưa, đến với những nghĩa trang liệt sĩ, rồi về Thái Bình, Ninh Bình tìm đồng đội của anh Thắng, chị đều đi cùng chồng. Chị cho tôi xem những kỷ vật còn lại của anh Ngô Văn Thắng mà chị và gia đình đã gìn giữ cẩn thận hơn 40 năm qua. Tôi chú ý đến hai bức thư anh Thắng viết cho chị Mai Liên - chị gái thứ ba, hồi đó đang là sinh viên khoa Cơ khí Trường Đại học Nông nghiệp.
Nét mực đã nhòa, giấy đã sờn rách, phong bì thư gấp bằng một nửa tờ giấy học sinh cũng đã rách gần hết nhưng dáng chữ thanh thoát và tình cảm của anh Thắng khiến tôi thực sự xúc động. Một lá thư anh viết ngày 10-10-1970 khi đang học lớp chính trị tại Rịa, thuộc thị trấn Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nơi chỉ có núi rừng và đồng cỏ. Cuộc sống thời chiến thiếu thốn trăm bề nhưng anh và đồng đội vẫn rất lạc quan, vui vẻ, họ gọi vùng bán sơn địa khô cằn ấy là "Thành phố Rịa - Trung tâm văn hóa của thủ đô tắc kè".
Lá thư thứ hai, cũng là lá thư cuối cùng anh viết vào ngày 10-4-1972, chưa đầy ba tháng trước ngày anh hy sinh, 5-7-1972. Lời lẽ trong thư vẫn thế, tràn đầy lạc quan của một anh lính trẻ đang háo hức trước khi nhận nhiệm vụ mới: "Giờ thì em vẫn khỏe, vẫn vui, tư tưởng thông suốt lắm rồi. Như hạt mầm xanh tốt đã được tôi luyện đủ độ, đủ điều. Tổ chức đưa vào đâu, thuận lợi hay khó khăn em cũng sẽ đâm bông kết quả trưởng thành... Khi nào có địa chỉ mới em sẽ biên thư báo tin chị biết sau. Chị đừng biên thư cho em nữa".
Với thân nhân liệt sĩ, việc tìm đến những đồng đội cũ không chỉ là mong muốn tìm thông tin về mộ phần mà hơn hết, là nỗi khao khát được nghe lại những câu chuyện về người thân của họ, đặc biệt là những phút cuối cùng - họ đã sống ra sao, đã chiến đấu thế nào. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Ban liên lạc, anh Hà - chị Thủy đã gặp được anh Bát quê ở xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Khi anh Thắng đảm nhiệm chức vụ Trung đội phó Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 thì anh Bát là anh nuôi.
Buổi trưa ngày 5-7-1972, anh Ngô Văn Thắng nói anh Bát nấu cơm ăn để còn lên chốt thay gác cho anh Vang, anh Tòng. Ăn cơm xong, anh Thắng đi chưa được bao lâu thì có tin Chốt 16 (điểm cao 16 thuộc địa bàn thôn Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng) trúng bom, cả 3 anh đã hy sinh. Đến nhá nhem tối, tình hình tạm yên, anh em đồng đội mới khâm liệm, chôn cất được các liệt sĩ. Chính anh Bát là người đã đào cát, đặt thi thể anh Thắng xuống… Anh vẫn còn nhớ cạnh đó là hàng phi lao, xa hơn chút nữa là một bụi tre. Đầu tháng 7-2015, sau hơn 40 năm anh Bát cùng nhiều đồng đội cũ trở lại nơi này.
Điểm cao 16 vẫn là một cồn cát hoang sơ như ngày nào, hàng phi lao nay đã thành cổ thụ, bụi tre cũng vẫn còn. Người dân khu vực nói đây là khu đồi linh thiêng, từ nhiều năm trước các hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chỉ có điều chiến tranh khốc liệt, hàng trăm ngôi mộ giờ vẫn mang dòng chữ "Liệt sĩ chưa biết tên"… Nhưng chỉ chừng ấy cũng đủ làm nguôi ngoai phần nào nỗi mong nhớ của những thân nhân liệt sĩ như anh Hà, chị Thủy. Chị nói: Anh nằm đâu cũng là trên quê hương đất nước mình, anh đã hy sinh vì dân vì nước thì cứ để anh ở lại chiến trường xưa, bên cạnh đồng đội. Người chết nằm xuống đã yên, người sống cũng nhẹ lòng…
Còn một chuyện khác cũng khiến chị Thủy rưng rưng khi nhắc đến, đó là đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày anh Ngô Văn Thắng hy sinh, đồng đội của anh đã tìm về tận quê Thanh Liêm, Hà Nam thắp hương cho anh. Mẹ chồng chị năm đó đã 97 tuổi, ốm thập tử nhất sinh nhưng hằng ngày vẫn dõi ra cửa như mong ngóng, chờ đợi… Đến khi đồng đội của anh Thắng về, mẹ bảo thôi cũng như thằng Thắng đã về với mẹ, mẹ không còn nghĩ ngợi gì nữa. Và chỉ một thời gian ngắn, bà thanh thản nhắm mắt xuôi tay.
Đám tang mẹ có những đồng đội cũ của anh Thắng, là anh Mười, anh Ngư đã xin khăn chịu tang mẹ thay anh Thắng. Vậy là mẹ mất anh Thắng nhưng lại có thêm nhiều con, đến hôm nay vẫn thế. Cái tình của người ở lại đối với những người đã ngã xuống khiến những người còn sống dù không phải ruột thịt đã trở thành con một nhà, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống thường nhật còn bộn bề lo toan…
Ngày 13-12 vừa qua, gần ba trăm người lính của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B thuở nào đã tìm về với nhau trong ngày lễ mừng công và ra mắt cuốn sách "Hồi ức thời hoa lửa". Những cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử, mái đầu đã bạc, có người hơn 40 năm mới gặp lại nhau, ôm choàng lấy nhau mà "cậu tớ, tao mày", khóc đấy rồi lại cười đấy như con trẻ. Họ trao tay nhau "Hồi ức thời hoa lửa" có lời tựa của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64; cùng xem những hình ảnh xúc động dịp khánh thành Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 64 tại thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - chính mảnh đất đã diễn ra trận chiến đấu lịch sử năm xưa giờ thành nơi lưu danh hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã anh dũng hy sinh.
Nhiều người nhận ra Trung tướng Hoàng Kỳ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 ở hàng ghế đầu. Ông đến từ sớm để tham dự buổi lễ và gặp gỡ, trò chuyện với những cán bộ, chiến sĩ trẻ măng ngày nào, giờ cũng như ông, tóc đều đã bạc, da đã mồi nhưng trong họ, ký ức về một thời "hoa và lửa" hào hùng, những tháng ngày chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh anh dũng của biết bao đồng đội nơi "chảo lửa" Quảng Trị vẫn luôn sống mãi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.