Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỉnh Kiên Giang cần phát huy vai trò kinh tế tập thể

TTXVN| 28/08/2011 20:34

Sáng 28/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Sáng 28/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cùng làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng và nhiều ban, bộ, ngành hữu quan. Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương đã làm việc tại cơ sở là xã Thạnh Phú, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ, căn cứ tiềm năng, lợi thế của một tỉnh đồng bằng ven biển, với hơn 80% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp và địa bàn nông thôn, hơn 70% dân số là nông dân, Kiên Giang xác định cả trước mắt cũng như lâu dài, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vị trí quan trọng, quyết định đến sự ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo sự no ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, bố trí lại sản xuất phù hợp với từng vùng, từng địa phương theo hướng giữ vững ổn định diện tích lúa để bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu, hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, tỉnh đã có hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu 2/3 diện tích lúa 2 vụ và nuôi trồng thủy sản; 95% số xã trong đất liền có đường ôtô đến trung tâm, trong đó nhựa hóa, bê tông hóa đạt 80%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 95%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 97,7%, 98% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế và phòng khám khu vực; đầu tư xây dựng 73 cụm- tuyến dân cư, 4 đê bao và gần 7900 căn nhà ở cho nhân dân vùng ngập lũ.

Nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành và phát triển, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 tổ hợp tác, 182 hợp tác xã, gần 9.900 trang trại, thu nhập bình quân 60 triệu đồng/ha/năm. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp được gắn liền với đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, tăng dần tỷ lệ hàng nông-thủy sản qua chế biến, bình quân 11%/năm và giảm dần sản phẩm xuất khẩu thô, tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản đông lạnh.

Những kết quả trên đã thúc đẩy khu vực nông-lâm-thủy sản tăng trưởng bình quân 7,2%/năm, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 11,5%/năm.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế tại cơ sở và ý kiến phản ánh của đại diện các các cấp, các ngành trong tỉnh, cho thấy Kiên Giang còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực Nghị quyết 26-NQ/TW.

Cơ cấu kinh tế chưa được chuyển dịch mạnh và chưa gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (trồng trọt vẫn chiếm hơn 83% trong cơ cấu nông nghiệp); liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chưa chặt chẽ và hiệu quả; kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện. Một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn vướng mắc về thủ tục cho vay nên nông dân khó tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Để tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững, Kiên Giang kiến nghị Trung ương tăng cường đầu tư, có chủ trương thành lập quỹ đầu tư xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn mới ở Trung ương và cấp tỉnh; đồng thời có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho nông dân; chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, chuyển đổi nghề đối với ngư dân khai thác hải sản gần bờ.

Trên cơ sở làm rõ 3 vấn đề tồn tại, xác định 5 việc cần tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 25% số xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt 50% trở lên các tiêu chí xã nông thôn mới.

Phát biểu kết luận sau hai ngày làm việc tại Kiên Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một số việc cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 26-NQ/TW, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh cả về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, Kiên Giang cần xác định cơ cấu kinh tế hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, từ đó có hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, việc tích tụ ruộng đất là cần thiết, tỉnh cần hết sức quan tâm công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là phải ưu tiên giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho người dân nông thôn bị thu hồi đất, hạn chế khoảng cách giàu-nghèo, bảo đảm công bằng xã hội.

Thực tế tại Kiên Giang cho thấy, các loại hình kinh tế tập thể đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cần tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình kinh tế tập thể, chú trọng phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại; trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới, cần xác định mô hình tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cần tăng cường liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) nhằm gia tăng giá trị, hạn chế chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm lợi ích cho nông dân.

Quy trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường phối hợp, gắn kết giữa các giai đoạn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, là cách làm tốt, nhằm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro , giúp bà con nông dân yên tâm với các sản phẩm làm ra. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với tình trạng nước biển dâng và các tác động tiêu cực khác do biến đổi khí hậu gây ra.

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, với diện tích rộng lớn 6 vạn km2, 140 đảo lớn, nhỏ, gần 200 km bờ biển, Kiên Giang cần chú ý khai thác, phát huy vai trò của kinh tế biển, gắn với giữ vững quốc phòng an ninh, củng cố, phát triển quan hệ đối ngoại.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Kiên Giang cần hết sức quan tâm chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, coi đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong công cuộc xây dựng, phát triển Kiên Giang thành một tỉnh vững mạnh về mọi mặt ở vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Tổng Bí thư hoan nghênh những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đạt được sau 3 năm triển thực hiện Nghị quyết sô 26-NQ/TW. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh cả về năng suất, sản lượng và giá trị, với sản lượng lúa đạt hơn 3,6 triệu tấn/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

Cùng với đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành và phát triển ở nông thôn. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt gần 26 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực nông thôn đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm bình quân 1,5%/năm.

Khẳng định việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đặc biệt có ý nghĩa thiết thực, sát sườn đối với một tỉnh giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp như Kiên Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần quán triệt sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và triển khai quyết liệt, ráo riết, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, để đưa Nghị quyết vào hiện thực cuộc sống.

Tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống nông dân tại xã Thạnh Phú, huyện Tân Hiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Thạnh Phú, Tân Hiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế mới, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển các loại hình hợp tác sản xuất kinh doanh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập, đáp ứng yêu cầu tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của nhiều hộ nông dân trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tại đây, Tổng Bí thư đã thăm hỏi, trò chuyện với một số một số nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu, nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của bà con trong sản xuất và đời sống; đến thăm, tặng quà gia đình anh Nguyễn Văn Thương, một gia đình văn hóa, có nhiều thành tích trong lao động sản xuất ở ấp Kinh 9A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Kiên Giang cần phát huy vai trò kinh tế tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.