(HNM) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất thu lại phí cầu đường đối với các loại mô tô, xe máy và thực hiện phương thức thu phí thông qua giá xăng dầu hoặc qua kiểm định hay đăng ký mới phương tiện.
Việc thu phí lại này nhằm mục tiêu tạo nguồn thu cho quỹ bảo trì đường bộ, góp phần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Vấn đề là, các đề xuất này đang gây nhiều ý kiến không thống nhất trong dư luận. Trước đây chúng ta đã từng áp dụng việc thu phí đối với mô tô, xe máy. Cho đến năm 2006, Bộ Tài chính mới quyết định dừng thu khoản phí này. Nhưng đến cuối năm 2009, Bộ GTVT gợi lại ý tưởng này và khi đó nhiều ý kiến đã cho rằng nhà quản lý đang "đầu tư ngược", bắt dân "bỏ tiền mua hàng xấu" khi phí thì ngày càng nhiều còn chất lượng hạ tầng giao thông lại không tăng.
Trên thực tế, những công trình giao thông được xây dựng bằng tiền từ ngân sách nhà nước trong đó đã có tiền thu thuế của người dân, doanh nghiệp. Thêm vào đó, hiện nay cũng đã có mức tính phí giao thông qua xăng dầu, cầu, đường, nên nếu tiếp tục thu phí đối với các phương tiện sử dụng xăng dầu thì sẽ là "phí chồng phí". Trong khi người dân, doanh nghiệp còn bị áp thu nhiều loại phí khác như phí bến bãi, cầu phà, thậm chí có khi về đường liên thôn, liên xã cũng không thoát khỏi barie chắn ngang đường thu lộ phí.
Với các doanh nghiệp, chắc chắn các loại phí tăng thêm theo đề xuất trên sẽ gây khó khăn cho hoạt động và khả năng cạnh tranh. Người sử dụng xăng dầu đã phải đóng thuế cho sản phẩm này, còn phải gánh thêm phí đường bộ thì xem ra nặng quá. Hơn thế, có khi còn gánh cả thứ phí mà nó không thể chịu trách nhiệm như với phương tiện dùng xăng, dầu làm nguyên liệu nhưng không tham gia giao thông đường bộ như tàu thủy, ca nô, máy nổ, máy phát điện… Về việc này, các nhà quản lý cho rằng đã có hỗ trợ của Chính phủ, nhưng như thế thì có khác gì đẩy trách nhiệm cho người khác và thiếu minh bạch trong chính sách. Hỗ trợ là hỗ trợ, còn thuế và lệ phí lại là chuyện khác, không thể đánh đồng.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm, là chi phí xăng, dầu là một phần quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ riêng lĩnh vực vận tải mà nhiều lĩnh vực khác có hoặc không liên quan đến vận tải sẽ chịu ảnh hưởng. Chính Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận, khi thực hiện thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ sẽ làm tăng chi phí trong giá thành vận tải lên 1,5%. Đó là chưa kể đến việc tăng giá xăng, dầu rất dễ bị lợi dụng cho nhiều mặt hàng khác "té nước theo mưa".
Rõ ràng, việc tận dụng nguồn thu phí giao thông là cần thiết nhưng cần cân nhắc áp dụng vào thời điểm nào và phương thức thu thế nào là hợp lý. Một khi áp dụng phương án theo đề xuất này cũng cần loại bỏ bớt những loại phí liên quan khác để tránh chồng chéo, bất hợp lý. Ngoài ra cần tạo ra sự công bằng qua mức thu, những xe tải trọng lớn, gây hại lớn tới mặt đường, thì có mức thu khác so với những loại xe nhẹ. Việc thu phí một khi được xây dựng hợp lý sẽ được người dân ủng hộ, thực thi dễ dàng và ngược lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.