(HNM) - “Mắt người chưa thấy dung nhan Phật/Mà tự tay người Phật hiện ra” - đó là lời hay, ý đẹp trong dân gian ngợi khen người thợ tài hoa ở làng thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức) chuyên chế tác tượng Phật và đồ thờ tự nổi tiếng. Sự tâm huyết, tài hoa của các nghệ nhân, cộng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ đã giúp các sản phẩm tinh hoa làng nghề không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu quốc tế.
Dưới bàn tay tài hoa của người thợ Sơn Đồng, các khúc gỗ được“lột xác” thành những bức tượng tinh tế. Ảnh: Thái Hiền |
Làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng xưa kia thuộc phủ Hoài Đức (tỉnh Hà Đông). Đây là một làng cổ. Du khách đến thăm Sơn Đồng đều có ấn tượng mạnh mẽ trước những sản phẩm mang chiều sâu văn hóa tâm linh. Các nghệ nhân đã tạc tượng bằng sự thổn thức của con tim cộng hưởng với những tinh hoa văn hóa làng nghề truyền thống được ông cha truyền lại trong thẳm sâu tiềm thức.
Đến nay, lớp con cháu của làng nghề Sơn Đồng không ai còn nhớ rõ xuất xứ của nghề, chỉ biết rằng sản phẩm của làng nghề đã được định hình từ hằng trăm năm nay. Để gìn giữ và duy trì nghề tổ, làng nghề Sơn Đồng cũng trải qua không ít thăng trầm, gắn liền với những biến cố lịch sử của dân tộc. Đã có lúc người dân Sơn Đồng ngậm ngùi chuyển sang nhiều nghề khác nhau để sinh sống. Nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, việc tạc tượng, chế tác đồ thờ vẫn được “bảo tồn” trong trái tim của nhiều tay thợ cao niên như các cụ Nguyễn Viết Thạc, Nguyễn Bá Dậu... Sau này, những giá trị đã được khẳng định, nghề cũ luôn được bảo tồn trong ký ức của mỗi người thợ lành nghề lại có cơ hội phát triển. Cơ chế thị trường mở ra, các cụ đã mạnh dạn mở lớp dạy nghề cho con cháu trong làng nhằm khôi phục nghề quý.
Làng nghề Sơn Đồng hiện nay có hơn 300 hộ gia đình sản xuất chuyên nghiệp, quy tụ 4.000 thợ lành nghề trong tổng số hơn 8.000 nhân khẩu của xã. Trong số tay thợ lành nghề của Sơn Đồng có đến hơn một nửa là thợ giỏi và được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Đồ thờ của làng nghề Sơn Đồng phục vụ cho nhu cầu trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, nhà thờ, điện thờ, bàn thờ gia tiên... Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Sản phẩm điêu khắc gỗ Sơn Đồng thường xuyên được gửi tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Những nét tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng Sơn Đồng đã để lại dấu ấn ở khắp nơi. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, người thợ Sơn Đồng còn sáng tạo làm tượng chân dung, tượng mỹ nghệ để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nước ngoài. Không ít Việt kiều sau khi đến tham quan làng nghề Sơn Đồng đã đặt hàng, thậm chí còn mời thợ ra nước ngoài để xây chùa, đình phục vụ cộng đồng người Việt. Giờ đây, giá trị của những bức tượng được nâng lên hơn trước rất nhiều, có một số bức tượng khách hàng đặt mua với mức giá hơn 100 triệu đồng.
Sự phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng đã chứng minh: Muốn bảo tồn và phát triển những giá trị làng nghề truyền thống của cha ông, không có gì bền vững bằng việc trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống và phát huy tài năng các nghệ nhân tâm huyết với nghề...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.