Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh hoa đọng lại...

Giang Nam| 21/01/2023 06:12

(HNM) - Nói đến người Hà Nội không thể không nhắc đến nếp sống bình dị mà vô cùng tinh tế của đất kinh kỳ, trong đó có cả những thú chơi tao nhã. Trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống hiện đại, không ít nét đẹp xưa cũ đã dần lắng xuống, thậm chí tưởng như mai một. Và thật mừng khi gần đây, nhiều nét tinh hoa Hà Nội đã trở lại và tiếp tục lan tỏa.

1. Thủy tiên vốn là một thú chơi ngày Tết của người Hà Nội. Nhưng trong giới chơi thủy tiên, có một số người thường gọt thủy tiên từ rất sớm. Đầu tháng Một ta (tháng Mười Một lịch âm), khi gió lạnh mới về, những việc “bếp núc” đã bắt đầu, trong khi để chơi hoa Tết, phải cữ đầu tháng Chạp. Người ta vừa thưởng hoa, thử nghiệm cách gọt, vừa “để dành” cho một thú chơi khác, đó là ướp trà hoa thủy tiên.

Trà sen vốn quý, nhưng trà hoa thủy tiên còn “rắc rối” hơn. Bởi thủy tiên vốn được mệnh danh là loài hoa “kim trản, ngân đài” - cách ví hình tượng chỉ cánh hoa như đĩa bạc, nhụy hoa như chén vàng. Chơi hoa thủy tiên cầu kỳ. Trước tiên, là vì giống thủy tiên phải nhập ngoại, không hề rẻ. Khi việc giao thương còn khó khăn, có được một củ thủy tiên đã quý lắm. Trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng từng viết về trà hoa thủy tiên. Những bông hoa thủy tiên được tách ra, ướp với trà. Hồi còn sống, cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, cũng cứ dịp Tết đến là ướp trà thủy tiên. Những bát thủy tiên đẹp thì để đi thi, để bày. Những bát chưa ưng ý, sẽ dành lấy hoa ướp trà. Trà thủy tiên là thức uống không xa lạ của người Hà Nội xưa.

Thú chơi hoa thủy tiên đã gần như biến mất tại Hà Nội từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mãi đến đầu những năm 2000, một số người tâm huyết mới kỳ công khôi phục, tìm lại những tuyệt kỹ khi xưa. Nhưng không ngờ rằng, cùng với gọt thủy tiên, nhiều người cũng mày mò ướp trà trở lại. Do thủy tiên là giống hoa “đỏng đảnh”, nên trà hoa thủy tiên không thể thương mại hóa, mà ướp trà hoa thủy tiên giống như một thú chơi.

Câu lạc bộ Hoa thủy tiên Hà Nội có một số người ướp trà. Nhằm có trà uống Tết, người ta gọt thủy tiên sớm hơn thường lệ để củ thủy tiên trổ hoa từ rằm tháng Chạp. Hoa ấy dùng để ướp trà. Kỹ thuật ướp hoa thủy tiên đã thất truyền, nên những người mê hoa, muốn lưu hương thủy tiên trong những cánh trà chỉ tự mày mò. Người tiếc khi phải ngắt đi những “đĩa bạc, chén vàng” thì rải ra một lớp trà, để nguyên cả giò thủy tiên rồi lấy một cái lồng kín bằng giấy đậy cả hai thứ lại. Hương thủy tiên bị nhốt trong cái lồng giấy đó thẩm thấu sang trà. Cách này giống với cụ Kép làng Mọc trong “Hương cuội” của nhà văn Nguyễn Tuân khi làm kẹo bằng… đá cuội tẩm mạch nha ướp hương địa lan. Có người rải trà, rồi rải hoa tương tự như khi ướp nhài, ướp sói. Cách này trà ngậm hương tốt hơn, nhưng lại dễ lẫn một chất có thể gây dị ứng ở hoa thủy tiên. Lại mày mò tìm cách khác. Cứ thế mãi, rồi cũng không ít người tìm ra trà thủy tiên cho mình.

Trong Câu lạc bộ Hoa thủy tiên Hà Nội có một chàng trai trẻ tìm ra cách lưu hương vào những cánh trà mà không bị nhiễm độc tố. Đó là Quang Linh. Để có ngày ướp hương thủy tiên cho trà thành công, chàng trai này đã lặn lội tìm gặp những chuyên gia thủy tiên, những gia đình nhiều đời ướp trà trên những con phố cổ. Kế rồi phải thử nghiệm. Sau nhiều mùa ướp thử, giờ Quang Linh đã cho ra thức trà thủy tiên mà qua năm, sáu nước vẫn đượm hương.

2. Người Hà Nội vốn tinh tế, cầu kỳ. Cái điều ấy đã “ăn” vào gần như mọi nền nếp sinh hoạt. Chăm hoa thủy tiên đã vậy, thế mà cái tinh túy đất trời ấy, lại được dùng làm nguyên liệu cho một thú chơi khác.

Tôi vẫn thường ngang qua phố Hàng Khoai mà chẳng cần cơn cớ. Vì ở đó có một không gian bị bỏ quên - hàng hoa cúng của bà Thu. Bà Thu đã già lắm. Mỗi lần ngang qua, cảm giác như lưng bà lại còng hơn. Nhiều lúc cứ lo lo, liệu sau này còn ai bán hoa cúng theo lối xưa nữa. Nhưng tình cờ, một ngày, cũng trên con phố ấy, tôi bắt gặp một hàng hoa cúng khác, chỉ cách chỗ bà Thu vài mươi mét. Cả “sạp hàng” nằm trọn trên chiếc yên xe. Trên cái “quầy hàng” nho nhỏ ấy, có những bông hoàng lan hanh hanh vàng, những bông ngọc lan trắng trong, có cả những “buồng” hoa cau với những bông hoa chưa hé, nom như những hạt gạo nếp… Nhưng đặc biệt hơn là những mẹt hoa xinh xắn. Một lớp lá xanh như ngọc lót phía dưới làm nền, phía trên là năm bông sen Quan âm trắng xanh, điểm xuyết giữa những bông sen là hoa hoàng lan. Một mẹt hoa khác, toàn là một màu trắng ngần của ngọc lan. Những cánh hoa cong cong, cảm giác giống như những ngón tay ở bức tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt. Một mẹt khác là chùm hoa cau chính giữa, nổi bật giữa nền đỏ của hoa mẫu đơn…

Chủ nhân hàng hoa xinh xinh ấy là chị Nguyễn Thị Hồng, người xã Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Hóa ra chị Hồng cũng là người “mê” hoa cổ, nhất là những loài hoa có hương thơm thân thuộc với người Việt hàng trăm, hàng nghìn năm qua. Bà nội chị bán hoa cúng từ lúc còn trẻ đến tận khi qua đời. Năm12 tuổi, chị Hồng đã học gói hoa rồi đi giao hoa giúp bà. Và rồi chẳng ngờ chị “nối nghiệp” đã 30 năm nay. Trước chỉ đi gom rồi bán cho các hàng bán hoa cúng, bán hoa để ướp chè trong phố. Hơn một năm nay, chị mạnh dạn làm một “quầy hàng” nơi phố cổ. Chị gom hoa từ sớm tinh sương rồi vội vàng vào phố. Vừa dừng chân là quay sang cắm hoa. Có hôm gom được đến sáu, bảy loại: Hoàng lan, ngọc lan, hoa ngâu, hoa sói, hoa cau... Càng nhiều loại, thì những mẹt hoa càng phong phú. Chị Hồng bảo, khi bán hoa cúng, chị nghĩ mình được tham gia vào cái việc tâm linh của các đền chùa, của các gia đình. Vì thế, phải làm bằng cái tâm của mình.

Người Việt xưa bán hoa cúng trong gói, thường gói lá dong, rồi bày lên trên đĩa. Bày đĩa đến lúc hoa khô đi vẫn thoang thoảng hương thơm. Xưa, người Hà Nội cũng bày các loại hoàng lan, ngọc lan… trong phòng khách, để “ướp hương” cho căn phòng, nhất là ngày Tết, hay giỗ chạp. Từ một nếp sinh hoạt ấy, có người đã nâng tầm lên thành nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm hoa cổ, khi dùng làm hoa cúng, khi để bày, thậm chí có thể coi đó là một thương hiệu hoa cúng, hoa cổ. Bây giờ, “lối chơi” ấy một lần nữa lan tỏa ra cộng đồng. Chị Hồng kể, có lần chị xem trên mạng thấy có người làm mẹt hoa. Vốn sẵn mê hoa cổ, sẵn mong muốn làm bằng cái tâm cho việc tâm linh, chị làm thử và thành công.

Cũng trong một lần đi qua phố, tôi không khỏi ngạc nhiên, giờ bà Thu hoa cúng nổi tiếng của tôi, cũng bày ra những mẹt hoa. Người qua đường, không thể không chú ý khi thấy một thứ tinh tế như thế bày ra ngay chỗ vỉa hè ồn ã. Nhiều người không mua hàng, nhưng xin phép bà Thu cho chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm.

3. Tôi nhớ câu chuyện của kỳ nhân hoa thủy tiên Nguyễn Phú Cường - người hồi sinh được lối gọt thủy tiên cổ truyền. Hai chục năm trước, cứ dịp tháng Một, Chạp ta, ông lặn lội đạp xe đến những chợ hoa, tìm xem liệu có ai nhập củ thủy tiên, mua về để gọt chơi Tết. Ai ngờ được, bây giờ không chỉ có nhiều người chơi, mà xuất hiện nhiều diễn đàn chia sẻ lối chơi thủy tiên. Từ đại chúng, ắt có ngày có tinh hoa. Cầu kỳ như ướp trà thủy tiên, thế mà giờ cũng không ít người khôi phục. Với những loài hoa cổ, cũng có người bảo ưa lối dân dã bày hoa trên đĩa, bởi lối cắm hoa cúng thành mẹt, thành tháp ấy là ảnh hưởng của nước ngoài. Nhưng không thể phủ nhận những mẹt hoa cổ, rất tinh tế, giàu tính nghệ thuật. Và khi lối chơi này lan tỏa, đồng nghĩa với việc xã hội đã chấp nhận. Đã chấp nhận, thì sẽ sớm phát triển.

Cuộc sống luôn là một dòng chảy. Đất Hà Nội là nơi các luồng văn hóa giao thoa mạnh mẽ. Những xu hướng, lối sống đổ về Việt Nam, thường qua cửa ngõ Thủ đô. Nhưng người Hà Nội luôn có cách ứng xử riêng. Những cái xấu, cái dở, cái tiêu cực thể nào cũng dần bị đào thải. Những cái hay, cái đẹp sẽ kết hợp với cái “vốn Hà Nội” để trở thành tinh hoa. Những thú chơi xưa cũ, bình dị nhưng hàm chứa sự tinh tế có thể có lúc lắng xuống, nhưng rồi sẽ trở lại và tiếp tục lan tỏa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh hoa đọng lại...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.