Ngày 15/3/2012 đánh dấu tròn 1 năm cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria. Mặc dù cả Chính phủ Syria và cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết song cho đến nay, “lối ra” cho cuộc khủng hoảng này vẫn bế tắc.
Ngày 15/3, hàng nghìn người Syria ủng hộ Tổng thống Bashar Assad đã xuống đường tuần hành tại thành phố Damas để phản đối âm mưu chống Syria diễn ra trong suốt 1 năm qua.
Xung đột, bạo lực khiến cuộc sống của người dân Syria càng khó khăn. |
Cuộc tuần hành này nhằm lấn át các cuộc biểu tình được lên kế hoạch từ hôm 14/3 nhân kỷ niệm 1 năm nổ ra cuộc nổi dậy chống Chính phủ Syria, đòi cải cách chính trị.
Phát biểu nhân sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay rất phức tạp, nhưng Syria vẫn muốn tự tìm giải pháp chứ không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông Makdissi cũng cho biết Chính phủ nước này đã đưa ra phản hồi tích cực và rõ ràng đối với đề xuất của ông Kofi Annan - Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập về Syria, đặc biệt là trong 2 vấn đề chấm dứt bạo lực và cứu trợ nhân đạo.
Ông khẳng định cam kết của Syria trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế, với điều kiện chủ quyền của Syria phải được tôn trọng, đồng thời kêu gọi Mỹ và phương Tây giảm nhẹ áp lực để tạo cơ hội thúc đẩy tiến trình chính trị hòa bình.
Trong diễn biến mới nhất, nhằm gây sức ép với Syria, sáng nay (16/3), 6 nước Arập vùng Vịnh là Arabia Saudi, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain, Oman, Qatar và Kuwait cho biết sẽ đóng cửa Đại sứ quán tại Syria để phản đối tình trạng bạo lực kéo dài một năm qua ở nước này. Trước đó, Italia và Hà Lan cùng tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán tại Syria.
Trong một diễn biến khác, ngày 14/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tunisia, ông Hamadi Jebali đang ở thăm Đức đã kêu gọi LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, hành động nhiều hơn để giải quyết tình hình Syria, nhưng không phải là hành động can thiệp quân sự.
Đây cũng là quan điểm của Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm cấp cao tại Washington ngày 14/3.
Trong khi đó, điều gây bất ngờ nhất liên quan đến việc giải quyết tình hình ở Syria là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Tổng thống Assad chậm thực thi các cải cách theo đề nghị của Nga.
Đây là bình luận hiếm hoi của Nga, thể hiện sự thất vọng đối với nhà lãnh đạo Syria, đồng minh cuối cùng của Nga trong thế giới Arập.
Ngày hôm nay, Đặc phái viên LHQ về Syria Kofi Annan sẽ có buổi báo cáo về kết quả chuyến thăm Syria trước Hội đồng Bảo an.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.