Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình hình Syria: Ngổn ngang trăm mối

Trung Hiếu| 28/09/2012 07:18

(HNM) - Cuộc khủng hoảng đẫm máu tại Syria kéo dài 18 tháng qua vẫn lâm vào bế tắc. Đúng như nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon trong phát biểu khai mạc Khóa họp 67 Đại hội đồng LHQ vừa qua tại New York (Mỹ), tình hình tại đây


Thủ đô Damascus đã trở thành bãi chiến trường đổ nát khi giao tranh bùng phát dữ dội.

Ngay sau phiên khai mạc khóa họp (25-9), cộng đồng thế giới tiếp tục bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi LHQ bảo vệ "các vùng giải phóng" hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe đối lập ở Syria thì Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi phản đối mọi sự can thiệp của bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào tại Syria, cho dù Ai Cập cũng mong muốn Tổng thống Syria Bashar Al-Assad rời khỏi quyền lực. Qatar cùng Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ mạnh mẽ lực lượng chống đối ở Syria. Trong khi đó, Iran, quốc gia Hồi giáo mà người Shiite chiếm đa số lại ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad vốn xuất thân từ cộng đồng thiểu số Alawite, một nhánh của người Shiite.

Còn tại Syria, bạo lực đã và đang leo thang ngày một trầm trọng. Ngày 26-9, nhóm phiến quân Hồi giáo Tajamo Ansar Al-Islam (tập hợp những người ủng hộ đạo Hồi), đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kép, xảy ra cùng ngày, nhằm vào tổng hành dinh quân đội Syria được bố phòng cẩn mật ngay giữa trung tâm thủ đô Damascus. Trước đó, giao tranh dữ dội đã nổ ra bên trong trụ sở chính của quân đội Chính phủ Syria. Thực tế này trái ngược với tuyên bố của chính quyền Syria khi khẳng định, quân đội đang đạt được những tiến triển quan trọng trong duy trì an ninh và ổn định. Giao tranh liên tiếp trong những ngày gần đây với cường độ ngày một khốc liệt. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR - trụ sở tại Anh), riêng trong ngày 25-9, con số thương vong tại Syria đã lên đến 101 người, trong đó có 59 dân thường, 16 tay súng chống đối và 26 binh sĩ chính phủ. Ngày 24-9, AFP đưa tin, lực lượng quân đội Syria Tự do (FSA) đã chiếm giữ hàng trăm kilômét lãnh thổ phía Bắc nước này. FSA đã kiểm soát nhiều ngôi làng tại Idlib và tỉnh Aleppo, buộc quân đội chính phủ phải rút lui trên nhiều mặt trận... Từ tháng 3-2011 đến nay, theo SOHR, khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của 29.000 người trong khi LHQ nhận định số thương vong vào khoảng hơn 20.000 người. Đó là con số đáng báo động với cả cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay tại Syria không có bất kỳ dấu hiệu lạc quan nào mà trái lại đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Ngày 25-9, Tập đoàn tình báo SITE của Mỹ đưa tin, nhóm phiến quân Hồi giáo "Mặt trận Al-Nusra" đã lên tiếng nhận trách nhiệm đứng sau 38 vụ tấn công, trong đó có cuộc tấn công kéo dài 48 tiếng với quân đội chính phủ ở Hanano, một căn cứ chiến lược tại Aleppo. Như vậy, cùng với lực lượng đối lập, xung đột tại Syria đã có sự góp mặt của các phần tử khủng bố cực đoan. Sự hiện diện đó đã khiến thế giới lo ngại. Nhưng, mối bận tâm hơn cả của cộng đồng quốc tế lúc này là cuộc sống của hàng triệu người dân Syria. Theo Đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Arab (AL) Lakhdar Brahimi, khoảng 1,5 triệu người Syria đã phải đi sơ tán và nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực gay gắt vì giao tranh giữa quân chính phủ và phe đối lập đã làm ngưng trệ các hoạt động của nhà nông. Trong khi đó, người đứng đầu Chương trình lương thực thế giới (WFP) Ertharin Cousin cho hay, chương trình sẽ cần thêm hàng chục triệu USD để cấp lương thực cho số người Syria bị mắc kẹt trong cuộc nội chiến khi số người này ngày càng tăng lên...

Hiện tại, quốc gia Trung Đông này đang ngổn ngang trăm mối. Sự bất đồng giữa các nước thành viên LHQ về cuộc khủng hoảng khiến tình hình Syria chưa thể được giải quyết trong tương lai gần. Lo ngại xung đột leo thang, ngày 24-9, Hội đồng Bảo an LHQ đã yêu cầu các bên liên quan phải khoanh vùng, không để cho chiến sự ở quốc gia này lan sang các nước láng giềng trong khu vực. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwell, nước hiện là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 9-2012, nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an đã và vẫn tiếp tục coi Kế hoạch hòa bình 6 điểm do cựu Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab về Syria, ông Kofi Annan, đưa ra là cơ sở duy nhất để chấm dứt bạo loạn ở Syria. Tuy nhiên, để đạt được điều đó trong bối cảnh hiện nay thật không dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình hình Syria: Ngổn ngang trăm mối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.