Kinh tế

Tình hình kinh tế 5 tháng của năm 2024: Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

Hồng Sơn 31/05/2024 - 06:35

“Bức tranh” kinh tế tháng 5 và 5 tháng của năm 2024 sáng dần lên, với nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực.

Hầu hết những lĩnh vực quan trọng, là động lực đầu vào cho tăng trưởng đều có sự cải thiện rõ rệt. Nền kinh tế đang trong xu hướng tăng tiến ngày càng mạnh, trên diện rộng. Trong khi đó, các cấp, ngành vẫn đang vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt kết quả phát triển kinh tế cao nhất trong năm 2024...

day-chuyen-san-xuat-tai-con.jpg
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Các chỉ số đều tăng khá cao

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5-2024 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn. So với tháng 4-2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5-2024 tăng 3,9%. So với cùng kỳ năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5-2024 tăng 8,9%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đà phục hồi sản xuất, hoạt động khởi nghiệp ấm dần, ngược với xu thế trầm lắng trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, cả nước có hơn 98,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 5 tháng qua, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân mỗi tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Đặc biệt, số doanh nghiệp mới ra đời nhiều hơn số rút khỏi thị trường cho thấy sự đảo chiều, với niềm tin đầu tư gia tăng so với trước, cũng như chấm dứt sự e ngại về việc thiếu vốn đầu vào cho tăng trưởng.

Vẫn duy trì vị thế "điểm sáng" của nền kinh tế, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả tích cực thể hiện sức hấp dẫn về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Hai nguồn vốn từ trong nước và nước ngoài nói trên sẽ là nguồn lực kết hợp, tạo ra những năng lực sản xuất mới, bổ sung cho quy mô của nền kinh tế, từ đó tạo ra sức tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP), việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…

Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính theo cán cân thương mại hàng hóa, nền kinh tế đã xuất siêu 8,01 tỷ USD giá trị hàng hóa.

do-hoa-tong-cuc-thong-ke.jpg
Đồ họa: Tổng cục Thống kê

Đồng bộ giải pháp, vì doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, những chỉ số tích cực trên là kết quả của nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ được các cấp, ngành triển khai thời gian qua. Vì thế, để có được tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2024 như mục tiêu Chính phủ đề ra, các giải pháp hỗ trợ cần được tiếp tục phát huy trên tinh thần vì doanh nghiệp, chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Trịnh Thị Ngân cho rằng, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ kịp thời bằng những giải pháp phù hợp để tận dụng tối đa về thời gian, nhằm tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế cũng là chính sách phát huy hiệu quả cao, thiết thực với doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2024, với mức giảm 10-50%. Chính phủ cũng đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp mức thuế suất 10% (còn 8%). Dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2024.

Những động thái trên được kỳ vọng tạo ra hiệu ứng tích cực trên diện rộng. Thực tế, thuế, phí hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, việc làm…), do đó, chính sách phù hợp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định, phục hồi.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên, thông qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình kết nối tổ chức theo hình thức phù hợp (hội nghị, làm việc, trao đổi...); ngân hàng đối thoại trực tiếp với khách hàng, qua đó nắm bắt khó khăn trong tiếp cận vốn vay để kịp thời xử lý. Tinh thần chung là không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả mà không tiếp cận được vốn.

Các bộ, ngành và địa phương cũng tiếp tục quan tâm, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục để giảm thiểu thời gian, tạo thuận lợi và sự minh bạch để hỗ trợ doanh nghiệp ra đời, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân:
Mong các cấp, ngành tiếp tục đồng hành

t3-ykien-nguyen-van.jpg

Những chỉ số kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm 2024 cho thấy bức tranh kinh tế rõ đà phục hồi, xu hướng tăng tiến là chủ đạo. Từ góc độ của hiệp hội ngành nghề, nhiều doanh nghiệp hội viên đang giữ được phong độ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì đơn hàng, từ đó ổn định việc làm, đời sống của người lao động, cũng như đóng góp vào ngân sách.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn đang đối diện với một số thách thức, khó khăn và rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Đó là tình trạng thiếu vốn, công nghệ sản xuất chậm được thay đổi, thiếu nguyên liệu cục bộ, hạn chế về khả năng tiếp cận tín dụng... Hiệp hội chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm, tiếp tục đồng hành, tháo gỡ những vướng mắc, bất lợi cho doanh nghiệp thông qua cơ chế, cách làm phù hợp và kịp thời, để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, cụ thể. Đơn cử, doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, giải quyết những bất cập về quy định để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai dự án...

Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân:
Một số trụ đỡ của nền kinh tế tiếp đà tăng tiến

t3-ykien-trinh-thi-ngan.jpg

Theo tôi, kinh tế nước ta đang thể hiện rõ sự phục hồi. Một số trụ đỡ, lĩnh vực quan trọng là đầu vào tạo tăng trưởng kinh tế, như xuất khẩu, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng tiến. Niềm tin vào đầu tư, khởi nghiệp gia tăng liên tục qua từng tháng gần đây... Tôi rất ấn tượng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động đã cao hơn số đơn vị rút khỏi thị trường. Đây là dấu hiệu đáng mừng thể hiện xu thế chủ động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, qua đó, nền kinh tế sẽ có thêm nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp còn đối diện không ít thách thức do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ thiết thực, như chuyển đổi số, đổi mới quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi sang sản xuất xanh, phát triển bền vững. Về phía mình, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng cần nỗ lực tối đa, tìm giải pháp thực hiện những mục tiêu nói trên…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm:
Kinh tế sẽ phục hồi tích cực hơn

t3-ykien-nguyen-bich-lam.jpg

Hiện nay, các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn của nước ta đã kiểm soát được lạm phát. Cùng với đó, kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng chậm hơn dự báo khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu có nhiều khả năng cắt giảm lãi suất thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất. Điều này giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, giảm áp lực tỷ giá đối với nhập khẩu tư liệu sản xuất và giảm áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam. Dự báo kinh tế tháng 6-2024 sẽ phục hồi tích cực hơn so với tháng 5 và giai đoạn 5 tháng đầu năm.

Dù vậy, bên cạnh những điểm sáng, tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi toàn diện. 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023, loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%). Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn đòi hỏi nhiều giải pháp hỗ trợ.

Anh Minh - Thanh Hiền ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình hình kinh tế 5 tháng của năm 2024: Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.