(HNM) - Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng
Thực tế, đất nước và Thủ đô qua hơn 30 năm đổi mới đã có những phát triển to lớn về kinh tế - xã hội. Ở mỗi giai đoạn phát triển, chính quyền địa phương phải đối diện với những khó khăn, thách thức khác nhau, do vậy quy định về mô hình chính quyền cũng khác. Tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" nêu rõ, tuy hệ thống chính trị được đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song vẫn còn tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối; chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa rõ, còn chồng chéo, trùng lắp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Soi chiếu cụ thể, tại nhiều phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có tình trạng một số nhiệm vụ có tính chất chuyên ngành cao như quản lý quy hoạch, đô thị, trật tự xây dựng, an toàn, vệ sinh thực phẩm... không có cán bộ chuyên môn; một người kiêm nhiệm nhiều việc nhưng chế độ lương, phụ cấp chưa bảo đảm phù hợp với trách nhiệm.
Nhưng để giải quyết bài toán biên chế này không đơn giản, do những trói buộc của quy định. Trong khi đó, cũng ở cấp phường, vẫn tồn tại một số tổ chức, đơn vị trung gian, hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách, làm những công việc có tính chất trùng lặp, dẫn đến sự lãng phí về nhân lực, tài chính.
Và còn nhiều vấn đề khác phát sinh từ thực tiễn quản lý đô thị Hà Nội đang đặt ra yêu cầu nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý phù hợp. Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, kiến tạo mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp, có sự phân định rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền ở nông thôn...
Đặc biệt, ngày 7-11-2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 22-KL/TƯ về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”. Với cách làm công phu, bài bản, khoa học và trách nhiệm, mục tiêu mà "Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân đặt ra, của đô thị đặt ra.
Đến thời điểm này, có thể nói, có hai vấn đề lớn, cơ bản mà mô hình thí điểm chính quyền đô thị đã đặt ra để giải quyết. Đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm để nâng cao tính tự chủ cho chính quyền trong quản lý, phát triển đô thị. Thứ hai là thiết kế mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, nhưng bảo đảm tập trung, thống nhất, thông suốt nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng đã, đang triển khai đồng thời nhiều công việc quan trọng khác, như từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn hóa, chuyên nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm... Một chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của đại diện cộng đồng dân cư với chính quyền đã, đang từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.