(HNM) - Quyết tâm thực hiện với lộ trình cụ thể là mục tiêu Thành ủy Hà Nội đặt ra khi triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ nay đến năm 2021.
Trao đổi với Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, đợt tinh giản biên chế lần này phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kể cả tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Tinh giản biên chế gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, không để tình trạng cào bằng.
Từ chủ trương...
- Thưa đồng chí, Nghị quyết 39 đặt ra chỉ tiêu là từ nay đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% số cán bộ của mỗi cơ quan, đơn vị. Về vấn đề này, Hà Nội đã triển khai đến đâu?
- Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Hà Nội có nhiều thuận lợi. Trong đó, thuận lợi lớn nhất là từ nhiều năm nay, thành phố đã chủ động tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ CBCCVC. Hơn nữa, nhân dân rất đồng thuận và đòi hỏi phải có hành động quyết liệt để loại bỏ những CBCCVC “sáng vác ô đi, tối vác về”. Như thế là lòng dân và ý chí của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô, Bộ Chính trị là một. Trên tinh thần đó, Thành ủy yêu cầu, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng lộ trình tinh giản biên chế cụ thể trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của đơn vị. Tôi nghĩ đây là việc làm rất tốt. Nếu triển khai thành công, chúng ta không những có cơ sở nâng cao chất lượng bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng khoa học mà còn giảm đầu mối bộ máy, từ đó, tiết kiệm chi, có thêm nguồn tiền để tăng lương.
Phải nói thêm, trong quá trình triển khai, vai trò của người đứng đầu từng đơn vị rất quan trọng. Quan điểm của thành phố là không có vùng cấm đối với bất cứ ai, thậm chí cả lãnh đạo nếu người đó không làm tròn trách nhiệm. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số CBCCVC mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm kết quả tinh giản biên chế của đơn vị mình.
- Theo đồng chí, đâu là giải pháp mang tính đột phá để tránh tình trạng không giảm được đúng người cần giảm?
- Tinh giản biên chế là việc có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn cơ quan, đơn vị, vì thế phải có cách làm phù hợp đi kèm cơ chế, chính sách cụ thể, làm sao tránh giảm “cơ học”, quan trọng là hướng tới nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Do đó, chúng tôi tổ chức thực hiện công tác này dựa trên kết quả đánh giá phân loại CBCC của các đơn vị trong những năm vừa qua, lấy chất lượng, tiến độ, trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ làm nòng cốt. Tiếp theo là đánh giá dựa trên chuyên môn, sự phối hợp công tác giữa người này với người khác, đơn vị này với đơn vị khác. Thứ nữa là căn cứ vào quy định của Trung ương về tỷ lệ tối thiểu phải tinh giản là từ 10% trở lên.
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các cơ quan hành chính triển khai hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí và có văn bản đề nghị thực hiện theo tiến độ đề ra. Trên cơ sở đó, trong vòng 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 11-2016), toàn bộ cơ quan hành chính sẽ phải hoàn thành bản mô tả này. Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố… cũng cần thực hiện việc rà soát, đánh giá, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Từ đó, xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch CCVC theo chức danh nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy thẩm định, phê duyệt ngay trong năm 2016.
Tôi kỳ vọng, việc xác định vị trí việc làm, kiện toàn lại bộ máy sẽ giảm bớt khâu trung gian, khắc phục tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, đánh giá đúng năng lực CBCCVC. Đây sẽ là một bước chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm.
… đến quyết tâm thực hiện
- Cơ sở quan trọng để tinh giản biên chế là xác định vị trí việc làm. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chắc chắn quá trình triển khai phải vừa làm, học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Liệu có tình trạng sau khi xác định vị trí việc làm, nhu cầu cán bộ của các sở, ngành, quận, huyện lại tăng lên không, thưa đồng chí?
- Tôi khẳng định, nếu có thì đề xuất này sẽ không được chấp nhận. Hiện nay, tất cả sở, ngành đều thừa cán bộ. Trong đó 14 sở, cơ quan ngang sở đã được sắp xếp lại chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ và trung bình mỗi sở giảm 1,9 phòng so với hiện tại và chỉ còn 3-4 phó giám đốc. 4 sở còn lại gồm: Văn hóa và Thể thao, Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch - Kiến trúc, Du lịch chậm nhất đến cuối tháng 7 phải hoàn thành. Với Văn phòng Thành ủy, số đầu mối hiện có là 8 phòng, trung tâm và 1 khu điều dưỡng cán bộ Hà Nội tại Đồ Sơn, sẽ phải giảm ít nhất một phòng. Ban Tuyên giáo Thành ủy, số đầu mối là 9, giảm xuống còn 7. Thành đoàn Hà Nội số đầu mối hiện có là 11, chúng tôi đang tính toán sáp nhập một số phòng ban, giảm xuống còn 7. Với 31 trung tâm giáo dục thường xuyên và 15 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo, 16 trung tâm dạy nghề thuộc quận, huyện, thị xã dự kiến sáp nhập thành 30 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện...
Như vậy, sẽ có những cán bộ đang là trưởng phòng, ban phải xuống làm phó; đang là phó phòng, ban phải xuống làm chuyên viên.
- Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện phải có lộ trình, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, thận trọng và khách quan, tránh xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ. Việc này đã được Hà Nội triển khai ra sao thưa đồng chí?
- Đúng là việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ gặp rất nhiều thử thách, từ nhận thức của đội ngũ cán bộ, đến chính sách, hỗ trợ cho những người phải tinh giản. Chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ CBCCVC, đặc biệt là đảng viên về mục đích, yêu cầu của việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thành ủy để họ hiểu chứ không chỉ biết về một chủ trương quan trọng của Đảng và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Bên cạnh đó, tinh giản biên chế phải làm từng bước chứ không thể nói cắt giảm là cắt ngay được vì suy cho cùng đây là việc liên quan đến người lao động, làm gì cũng phải có tình, có lý. Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từng đơn vị để nắm được đặc thù công việc của người lao động. Cùng với đó, chúng tôi yêu cầu tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ phải công khai, rõ ràng mới có cơ sở chống tiêu cực, kể cả tham nhũng trong thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Một vấn đề nữa cũng cần nêu lên là số CBCCVC phải cắt giảm sẽ đi đâu, làm gì và đời sống của họ sẽ ra sao? Tôi cho rằng, đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ để họ yên tâm rằng “dù trong diện giảm biên chế nhưng người lao động vẫn được bảo đảm các quyền lợi chính đáng, được giải quyết tâm tư, lắng nghe nguyện vọng”. Hội đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, CBCCVC sẽ tự nguyện, tự giác thực hiện, bảo đảm tính ổn định từ cơ sở.
Không giảm cơ học
- Quan điểm kiên trì thực hiện tinh giản biên chế đã được thể hiện rất rõ. Nhưng từ chủ trương đến hành động rất cần phải có quyết tâm cao, đồng thời thể hiện bằng những kết quả cụ thể. Những kết quả cụ thể mà Hà Nội đã đạt được là gì, thưa đồng chí?
- Thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy Hà Nội về việc “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, đến nay chúng ta đã giảm gần 1.000 chi bộ, 2.400 tổ dân phố, thôn, cùng hàng nghìn vị trí cán bộ ở cơ sở. Để “ra” được thành quả ấy nghe qua thì đơn giản nhưng là cả quá trình nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trong công việc lẫn tâm tư, tình cảm từng CBCC. Khó lắm đấy, nhưng vì công việc chung, thành phố vẫn kiên quyết làm.
Gần đây nhất, Ban cán sự UBND thành phố đã chủ động sắp xếp lại bộ phận văn phòng, cắt giảm từ 12 phòng xuống 7 phòng. Sau khi sắp xếp, đang thừa ra 27 phó phòng. Những trường hợp này được giữ nguyên chức vụ, hưởng nguyên hệ số lương trong vòng 24 tháng nhưng không tham gia điều hành và làm việc như chuyên viên. Trước đó, 57 cán bộ chủ chốt các quận, huyện, thị xã thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã tình nguyện nghỉ khi không đủ 30 tháng tái cử. Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, Sở Nội vụ đã lập đề án, tờ trình về sắp xếp, kiện toàn tổng thể các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp báo cáo Thường trực Thành ủy. Dự kiến, sau sắp xếp, số phòng, ban hành chính tinh gọn, giảm 37/197 phòng (18,8%), số đơn vị sự nghiệp công lập giảm 104 đơn vị đầu mối, 205 cấp phó.
- Như vậy, có thể khẳng định Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu về tinh giản biên chế. Nhưng trong các phát biểu của mình, đồng chí vẫn khẳng định thực hiện chủ trương này còn nhiều khó khăn?
- Hiện nay, thành phố không những không để tổng biên chế vượt quá số lượng được Trung ương giao mà ở nhiều lĩnh vực còn giảm. Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cơ cấu lại bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi phí. Song cũng phải thừa nhận, có nơi, có chỗ hiệu quả tinh giản chưa cao. Ngoài ra, Hà Nội cũng gặp sức ép thành lập các tổ chức mới. Đơn cử, với tốc độ gia tăng dân số Thủ đô một cách chóng mặt như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu về giáo dục cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc… Nếu không thành lập thêm đồng nghĩa với thêm biên chế thì không thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đấy cũng là một cái khó.
- Vậy, theo đồng chí, liệu việc tinh giản biên chế của Hà Nội có đạt đúng mốc thời gian đề ra. Và làm thế nào để tránh tình trạng -“càng tinh giản, bộ máy càng phình to”?
- Thành phố xác định rất rõ, nếu không tinh giản được biên chế thì không nâng cao được hiệu quả bộ máy. Không tinh giản thì không có tiền để tăng lương cho cán bộ, đồng thời làm giảm hiệu lực bộ máy. Vì vậy, Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị với quyết tâm cao độ. Thành phố kiên quyết đưa vào diện tinh giản biên chế những CBCC nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân kém. Tôi tin, với việc triển khai đồng bộ nghiêm túc, bài bản, với lộ trình cụ thể thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như nêu trên, trước hết là giảm bớt khâu trung gian; xác định vị trí việc làm, tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách…, mục tiêu tinh giản ít nhất 10% tổng biên chế thành phố đến năm 2021 sẽ dần đạt được.
Hà Nội tinh giản biên chế đồng bộ cả hệ thống, không loại trừ cơ quan nào. Trước mắt, từ tháng 6 năm nay, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được triển khai trước tiên ở các ban Đảng, văn phòng cấp ủy từ thành phố xuống quận, huyện, thị xã, các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy, MTTQ, đoàn thể… Mô hình tổ chức một số đảng bộ khối cũng sẽ được xem xét, sắp xếp phù hợp như nâng cấp mô hình Đảng bộ Khối Các khu công nghiệp và chế xuất hay sáp nhập Đảng ủy Khối Du lịch, Doanh nghiệp. Lựa chọn Khối cơ quan Đảng thực hiện đầu tiên, Ban Chỉ đạo của thành phố thực hiện Nghị quyết số 39 đặt niềm tin vào tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của các cấp ủy. Đối với các cơ quan hành chính, trên cơ sở rà soát, sẽ nêu rõ những nhiệm vụ nào chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị; những nhiệm vụ nào không cần thiết hoặc kém hiệu quả sắp tới chuyển sang các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển dần sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhân sự. Đơn vị tự chủ tốt sẽ đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, đã có một số sở, trong đó có Sở Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội... xin được làm trước để rút kinh nghiệm. Thực tế, ngành y tế cũng đã có những đơn vị làm rất tốt mô hình này như Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Đối với các quận, huyện, thị xã, đơn vị cồng kềnh, chất lượng hoạt động thấp, Thành ủy cũng có thái độ rõ ràng, thể hiện qua chỉ đạo đề án tinh giản biên chế của quận, huyện, thị xã phải xong trước tháng 11-2016. Các đơn vị được tự tinh giản theo tỷ lệ 1,5%. Còn nếu đơn vị không làm đúng tiến độ, thành phố sẽ tinh giản cho đơn vị theo tỷ lệ 1,7%. Với các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.