Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính cách Hà Nội giúp tôi vượt qua khó khăn

Bài, ảnh Minh Luân| 30/06/2013 06:17

(HNM) - Khi 10 tuổi, Lê Tú Lan phải rời Hà Nội theo gia đình vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, mỗi lần nhắc đến quê hương, người phụ nữ đa tài này lại khắc khoải nhiều kỷ niệm. Chị cho rằng, văn hóa đất Thăng Long đã có ảnh hưởng đến phần lớn sự nghiệp, kể cả tính cách, nếp sống, nếp nghĩ của chị cho đến hôm nay…

Trở về tuổi thơ

Lê Tú Lan sinh năm 1966 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Chị kể, trong ký ức tuổi thơ của mình cho đến hôm nay là nỗi đau đáu những hình ảnh về một thời bao cấp khó khăn, xen kẽ là chuỗi ngày sơ tán cùng gia đình khi giặc Mỹ ném bom Thủ đô. "Mình nhớ được hai lần tản cư. Lần thứ nhất, gia đình phải sơ tán về quê ngoại là khoảng những năm 1967-1968, do còn quá nhỏ nên chủ yếu được nghe bố mẹ kể lại. Nhưng đến lần thứ hai năm 1972, khi mình đã hiểu chuyện thì thực sự là một cuộc tản cư lớn. Từng dòng người quang gánh, chở đồ đạc trên những xe thồ, xe cải tiến để lui về các vùng hậu phương để lập nên một "Điện Biên Phủ trên không".

Nhà biên kịch, nhà báo Lê Tú Lan trong một lần tác nghiệp.


Rồi chị kể nhiều hơn về hoa, đặc biệt là hoa lan ở Hà Nội. Chị nhớ, trên phố Trần Hưng Đạo, nơi gia đình sinh sống, hoa lan còn được trồng ngay cạnh tường rào, trồng trong chậu trước sân và tụi con gái mỗi lần đi học về thường ngắt một bông dắt lên tóc làm duyên. Hồi ấy hoa lan thơm ngan ngát, lâu phai lắm, nhưng giờ ra chợ không thể tìm được hoa lan có mùi hương ấy nữa, không biết có phải người ta chăm bón khác, hay chủng loại lan ấy không còn nữa không?

Khi vào học cấp 1, mỗi sáng thức dậy đi học, mẹ lại cho Lan mấy hào để ăn sáng. Nào là xôi đậu, xôi nếp, xôi gấc, bánh kê, bánh đúc, ô mai, bánh gối... Xôi được gói bằng lá chuối khô, rắc thêm vừng hoặc đường. Những gia vị ấy quyện vào nhau và tạo nên hương vị dân dã đặc biệt, rất Hà Nội. Còn mùa đông ư? Hà Nội rét căm căm, đến tê cứng chân tay nên thỉnh thoảng bố phải bóp chân, bóp tay cho chị vào mỗi sớm trước khi chở chị đến trường. "Mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm này, mình như muốn chạy ngay về con phố xưa, dù đã một vài lần thăm lại", giọng Lê Tú Lan nghèn nghẹn.

Quay quắt với nỗi nhớ đó, cách đây 5 năm, chị một mình ra Hà Nội. Bác lái xe ôm tốt bụng đã đưa chị đến số nhà 11 Trần Hưng Đạo, nhưng khi nhìn vào khuôn viên căn nhà xưa, chị không thể nào nhận ra đó là nhà mình thuở thơ ấu. Ngẩn ngơ, chị cố gắng hỏi người dân gần đó về chủ của căn nhà nhưng họ đều nói không biết. "Hồi xưa, chỉ cần nói nhà ông Nghiêm, ông ngoại mình thì bà con từ đầu phố đến cuối phố ai cũng đều biết, nhưng giờ hình như Hà Nội đã khác xưa", giọng chị như trầm xuống.

Người Hà Nội năng động

Sau giải phóng, năm 1976 cả gia đình Lê Tú Lan dọn vào sống ở TP Hồ Chí Minh. Trong ký ức của cô bé 10 tuổi ngày ấy cho đến nay vẫn chưa thể quên cảm xúc "choáng ngợp" trước một đô thành chỗ nào cũng rộng thênh thang. "Đường phố Hà Nội nhỏ nhắn và yên bình, cổ kính, còn ở TP Hồ Chí Minh thì đường rộng, có xe cộ đi lại tấp nập và còn có cả tàu bè ngược xuôi ngày đêm, cái gì cũng mới, cũng lạ". Chị bảo, lúc đầu còn e ngại vì mình ở xa mới đến, nhưng khi tiếp xúc rồi thì thấy người dân phương Nam gần gũi, cởi mở và dễ mến lắm. "Năm mình học tới lớp 5, mẹ đã giao nhiệm vụ đi đổi tem phiếu để mua gạo và thịt. Thời ấy, gạo không nhiều và người ta ăn cả bo bo. Dù vậy, mọi người vẫn xếp hàng mua tem phiếu mà không có lộn xộn, nhưng nếu chờ lâu có thể đặt cục gạch để nhận chỗ, người Nam bộ hay nói là xí chỗ. Ai cũng thông cảm với nhau về điều ấy".

Lớn hơn một chút, khi vào trung học, bố chị (giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) được phân một căn hộ chung cư ở quận 3. Lúc ấy có phong trào nuôi lợn rầm rộ, nhưng thay vì nuôi lợn, bố chị xây bể nuôi cá và hằng ngày chị nhận nhiệm vụ cho cá ăn. Sau phong trào nuôi lợn, có thời gian cả chung cư mua gà về nuôi ở hành lang, có hộ giành thêm khoảng sân chung cư để tăng gia thêm. "Dường như tất cả đều cố gắng đồng cảm với những khó khăn của đất nước. Và ai cũng hăng say để vượt qua thời bao cấp", chị Lan chia sẻ và cho hay. Tuy nhiên, cái được lớn nhất đối với chị là dù ở TP Hồ Chí Minh, tính cách cần cù, chịu khó của người Hà Nội đã giúp chị vượt lên khó khăn, vừa lao động vừa học hết trung cấp, rồi đến đại học. Ra trường, chị tiếp tục "nhảy việc" qua nhiều nghề (từ tiếp tân khách sạn, thư ký tổng giám đốc, marketing, tiếp thị, đến viết báo, biên kịch…) để trải nghiệm cuộc sống, đánh giá năng lực của bản thân. Có lúc thất bại, tưởng như tuyệt vọng, nhưng kinh nghiệm của một thời kham khổ hơn nhiều đã lại giúp chị đứng dậy.

Nói về cơ duyên đến với nghề báo, chị bảo đó là một cuộc gặp gỡ hết sức tình cờ. Thời đó ở khu vực Xóm Chiếu nơi chị ở, có nhiều tiệm sách báo cũ. Chị thường xuyên là khách hàng quen của một ông chủ tiệm gốc Hà Nội. Một lần, chủ tiệm nhập ở đâu về một bìa báo rất đẹp nên chị mua ngay cuốn tạp chí đó và xem mải miết và nghiền lúc nào không hay. Chị mạnh dạn ghi lại địa chỉ tòa soạn và thỉnh thoảng gửi cộng tác, chủ yếu là những bài cảm nhận nhưng thật bất ngờ, tờ tạp chí mời chị về làm phóng viên. Đó là vào khoảng năm 2004, Tú Lan về làm tại tờ tạp chí của Hiệp hội Tinh dầu hương liệu Việt Nam.

Bên cạnh nghề báo, Lê Tú Lan nhận thêm công việc biên kịch tiểu phẩm và phim truyền hình. Sau thời gian tham gia sản xuất một số chương trình cho Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và một số hãng phim, đài địa phương, chị chợt nhận ra con đường của mình: "Đi quá nửa đời người mới nhận ra đâu là bến đỗ. Đối với nhiều người có thể là muộn nhưng với mình, dường như tất cả mới bắt đầu từ hôm qua". Có lẽ bởi đam mê này mà chị dồn tâm trí biên kịch chung tác phẩm "Nối vòng tay lớn" để rồi chị đã vinh dự nhận được Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2007. Tính đến nay, khoảng 20 tác phẩm của chị đã được đưa vào sản xuất và phát sóng trên các kênh truyền hình.

"Biên kịch là một nghề thầm lặng và dường như để có tên tuổi lớn bạn phải trải qua hàng chục năm vô danh. Nghĩa là mình đứng đằng sau những thành công của các tác phẩm nhưng tuyệt nhiên tên tuổi của mình không được người ta biết đến - Người ta thường chú ý đến các đạo diễn tên tuổi nhiều hơn" - Lê Tú Lan khẽ nhíu mày khi nói về nghề như vậy, rồi lại cười tươi bảo, ước mơ lớn nhất của chị là thực hiện một tác phẩm biên kịch về Hà Nội. "Có thể là từ chính ký ức tuổi thơ của mình và cũng là tuổi thơ chung của những thế hệ người Hà Nội có hai quê hương nên mình muốn làm một điều gì đó cho Thủ đô".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính cách Hà Nội giúp tôi vượt qua khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.