Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tin vui cho hàng chục nghìn lao động

Kim Vũ| 24/03/2015 07:05

(HNM) - Người lao động (NLĐ) Việt Nam sẽ chấm dứt cảnh đi làm việc trái phép sang Thái Lan. Đó là khẳng định của Bộ LĐ-TB&XH sau khi hai nước Việt Nam - Thái Lan đàm phán và thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác lao động. NLĐ Việt Nam sẽ được nhận mức lương như người bản địa Thái Lan


Sẽ có nhiều cơ hội cho người lao động làm việc. Ảnh: Bảo Lâm


Theo thống kê, trong vòng 5-7 năm trở lại đây, hàng chục nghìn NLĐ Việt Nam, theo dẫn dắt của "cò", đã ồ ạt kéo sang Thái Lan làm việc "chui". Địa bàn có nhiều NLĐ đi làm việc tại Thái Lan nhất là Hà Tĩnh (khoảng 10.000 lao động), tiếp đó là Nghệ An, Thanh Hóa... Sở dĩ NLĐ ồ ạt sang Thái Lan làm việc, dù bất hợp pháp, là vì chi phí ít tốn kém (khoảng 2-3 triệu đồng trả cho "cò"), dễ tìm việc, thu nhập cao. Hơn nữa, chủ sử dụng lao động Thái Lan đánh giá cao tay nghề của LĐVN, không có tình trạng ngược đãi, bạo hành. Sau khi Thái Lan ký hiệp định miễn thị thực với nhiều quốc gia để thúc đẩy du lịch, trong đó cho phép người nước ngoài vào nước này trong vòng 30 ngày mà không cần visa, NLĐ đã "lách" luật bằng cách sau 30 ngày đã ra khỏi biên giới Thái Lan, sau đó lại quay lại để "du lịch" tiếp 30 ngày nữa. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, có rất nhiều lao động, đặc biệt lao động ở các tỉnh miền Trung hiện nay đang di cư theo con đường visa du lịch. LĐVN làm bất cứ việc gì có thể nên vẫn chưa có con số chính xác về những lao động làm việc tại nước này.

Nhiều NLĐ cho biết, đời sống nhiều gia đình khấm khá hơn khi có người nhà sang Thái Lan làm việc. Nhiều thôn, xã tại Hà Tĩnh, 100% hộ gia đình có con em đi làm việc tại nước này, trung bình mỗi tháng gửi về từ 7-13 triệu đồng/tháng. Các ngành nghề chính mà LĐVN làm là giúp việc, dọn dẹp, trông xe, thợ may, thợ cơ khí …. tập trung chủ yếu tại thủ đô Bangkok, thành phố Pattaya, Phukhet, Chiengmai …

Tuy nhiên, để có được những ngôi nhà 3 tầng hoặc nhà mái bằng nơi làng quê nghèo khó, nhiều NLĐ đã phải sống chui lủi để tránh sự kiểm soát của cơ quan sở tại. Họ chấp nhận làm việc vất vả, bất hợp pháp, làm giả thủ tục xuất cảnh... Với những NLĐ không đi theo đường du lịch thì chấp nhận vượt biên. Vì vậy, có không ít rủi ro đến với NLĐ, thậm chí cả nguy cơ về mất an toàn tính mạng.

Việc Việt Nam - Thái Lan có các buổi làm việc để đi đến thống nhất ký thỏa thuận hợp tác lao động từ đầu tháng 3 là mốc quan trọng khẳng định sẽ chấm dứt làn sóng di cư lao động trái phép từ Việt Nam sang Thái Lan. Việc đầu tiên là Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu triển khai việc đăng ký và cấp phép cho LĐVN đang cư trú tại Thái Lan. Theo Nghị quyết về hướng quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam được nội các Thái Lan thông qua ngày 10-2, lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày 10-2 nhưng thời hạn ở Thái Lan đã hết sẽ được phép tạm trú tại nước này. Như vậy, công dân Việt Nam nhập cảnh Thái Lan vì mục đích lao động trước ngày 10-2 có thể được cấp giấy phép lao động với thời hạn 1 năm.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, phía Thái Lan đang cần lao động ở hai ngành nghề là xây dựng và đánh bắt cá. Về mức lương, theo dự kiến, LĐVN được trả lương như NLĐ bản địa, trung bình từ 500 đến hơn 1.000 USD (tương đương từ 10 triệu đến trên 20 triệu đồng). Hai nước đang tính toán mức chi phí đi XKLĐ ở Thái Lan. Do địa hình hai nước gần nhau, đi lại thuận tiện nên chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn đi Malaysia. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, đây là lần đầu tiên Thái Lan đồng ý chính thức tiếp nhận LĐVN trong một số ngành nghề. Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận LĐ Thái Lan sang Việt Nam làm việc.

Với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho NLĐ, các cơ quan có trách nhiệm của hai nước Việt Nam - Thái Lan đã nỗ lực đàm phán với các chương trình có lợi nhất. LĐVN sẽ sớm được hưởng quyền lợi chính đáng của mình, được hưởng điều kiện làm việc, chế độ bảo hiểm, mức lương tương xứng, mở ra cơ hội mới cho nhiều NLĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vui cho hàng chục nghìn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.