(HNM) - Đã thành truyền thống tốt đẹp của đất nước, những ngày tháng Bảy này là dịp để cả dân tộc cùng tôn vinh, tưởng nhớ những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hòa chung không khí kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã triển khai những hoạt động ý nghĩa, góp phần lan tỏa truyền thống cách mạng, giáo dục lịch sử, khơi dậy niềm tự hào trong các thế hệ.
Rưng rưng khoảnh khắc tri ân
Mở cửa cách đây chưa lâu, trưng bày “Cung trầm tháng Bảy” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đang thu hút hàng trăm lượt khách tham quan, trải nghiệm; trong đó có rất nhiều bạn trẻ ở độ mười tám, đôi mươi - lứa tuổi chào đời khi chiến tranh đã lùi xa. Thế nhưng, từ những câu chuyện được nghe thời thơ ấu, những bài học trên giảng đường và trưng bày ngày hôm nay - đối với nhiều bạn trẻ, vẫn đủ để hình dung sự khốc liệt của chiến tranh và cái giá phải trả để có được hòa bình, độc lập.
Em Lê Trung Nghĩa (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: “Những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử đã giúp chúng em thấy rõ hơn một giai đoạn lịch sử nhiều đau thương, song cũng rất đỗi tự hào, hùng tráng của dân tộc mình”.
Như câu chuyện của ông Hoàng Quân Tạo, cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, được chính ông kể lại trong không gian trưng bày hôm nay, khiến nhiều người không khỏi cảm phục. Ông Tạo kể, thời điểm ông bị địch bắt là khi đang chuyển tài liệu từ vùng tự do vào nội thành. Cùng bị bắt với ông còn có người vợ chưa cưới - người sau này cùng ông chịu đủ đòn roi tra tấn của địch để ép quy hàng, làm tay sai cho chúng. Kiên trung với lý tưởng cách mạng, trong những ngày bị giam cầm, ông cùng các đồng chí của mình vẫn đồng lòng, quyết tâm chống lại kẻ thù. Những ngày tháng ngục tù của ông kết thúc sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954). Được tự do, ông tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho việc tái thiết, xây dựng đất nước.
Giống với trưng bày tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, triển lãm “Tri ân đồng đội” do Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tổ chức, đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng; những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa mà đất nước dành cho những người không tiếc máu xương vì Tổ quốc và cả những tấm gương thương binh tiêu biểu, đã và đang góp phần tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống hôm nay.
Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, điểm đặc biệt của triển lãm là có rất nhiều hiện vật tiêu biểu lần đầu tiên ra mắt công chúng. Có thể kể đến cuốn sổ công tác năm 1964 của đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 325; quyết tâm thư bằng máu của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 trước lúc lên đường tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1970…; hay nhóm hiện vật của các liệt sĩ đã hy sinh khi tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020. “Mỗi hiện vật hiện hữu tại đây đều chứa đựng câu chuyện hy sinh thầm lặng của những người nằm xuống vì mùa xuân đất nước”, Thượng tá Lê Vũ Huy nói.
Nhân lên ngọn lửa yêu nước, thương nòi
Cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, các hoạt động tôn vinh, tri ân người có công với cách mạng lại được các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn, góp phần khắc sâu bài học truyền thống, nhân lên ngọn lửa yêu nước, thương nòi trong các thế hệ. Tại nhiều bảo tàng di tích cũng “nở rộ” chuỗi chương trình, sự kiện tri ân thiết thực và ý nghĩa.
Cùng với di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam có chuỗi trưng bày, triển lãm “75 năm đền ơn, đáp nghĩa”; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với triển lãm “Còn mãi với thời gian”; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử, mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”…
Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, sự kiện giới thiệu tới công chúng 12 câu chuyện tình yêu thời chiến thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký - đây chính là kỷ vật của những mối tình trong bom đạn và xa cách, mà sau nhiều thập kỷ vẫn khiến trái tim mỗi người không nguôi thổn thức và khâm phục. “Để chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này, các cán bộ, nhân viên của bảo tàng đã đi khắp đất nước tìm kiếm, gặp gỡ và trò chuyện với nhân chứng lịch sử năm xưa để có thể sưu tầm những câu chuyện hào hùng và đầy xúc cảm, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc”, bà Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ.
Đánh giá về các hoạt động ý nghĩa tại nhiều bảo tàng, di tích trong dịp này, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ cho rằng, những hoạt động này là tiếng lòng, sự tri ân dành cho những người đã ngã xuống trên các mặt trận, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ; đồng thời, là dịp để chúng ta nhớ lại về một thời hào hùng của dân tộc, qua đó lan tỏa tình yêu, niềm tự hào và nỗ lực dựng xây, bảo vệ Tổ quốc trong các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.