Xã hội

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025):Tỏa sáng ngọn đuốc tri ân

Hà Trang 27/07/2025 - 09:36

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta.

Đó là chính sách đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

bac-ho-voi-thuong-benh-binh.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt, ngày 11-2-1956. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương bao la đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công. Người nhắc nhở chúng ta: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.

Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân ta có dịp bày tỏ tình thương yêu, biết ơn, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước.

Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, khối và tỉnh đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (nay là xã Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) để bàn bạc và nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Kể từ đó đến nay, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 trở thành ngày toàn dân tộc ta thêm một lần khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và cũng từ đó, việc thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” hằng năm đã hình thành nên truyền thống hiếu nghĩa, bác ái, quý trọng và biết ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đền đáp lại công lao của những thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công đã hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

2. Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16-2-1947 “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước.

Qua đó góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc trong thời kỳ mới.

Công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống quy định pháp luật, chính sách về người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện; đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được mở rộng; việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được tích cực triển khai. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, tích cực hưởng ứng; đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số trường hợp người có công, thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống, cần được quan tâm, giúp đỡ hơn nữa. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nhiều khó khăn, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Việc tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật đối với người có công có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác chăm sóc người có công, thương binh, liệt sĩ cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, các cấp ngành, các địa phương cần rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn; huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và cộng đồng để chăm lo tốt hơn cho người có công, thương binh, liệt sĩ; tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế, bệnh viện, đồng thời tăng cường các hoạt động khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh; tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm, giúp người có công, thương binh, liệt sĩ và con em họ có cuộc sống ổn định, ấm no…

3. Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cùng với các hoạt động ý nghĩa, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Uống nước nhớ nguồn”. Nói về truyền thống cao đẹp của dân tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta không thể có ngày hôm nay, không thể có một Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng nếu không có mồ hôi, máu xương của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người mẹ, người cha sẵn sàng động viên con cháu ra trận và giành phần khó khăn, gian khổ, mất mát về mình với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả vì tiền tuyến”.

Cùng với cha ông, hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc hiện nay, tất cả là linh hồn bất tử của dân tộc, là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hơn 3 ngàn nghĩa trang liệt sĩ, hơn 4 ngàn công trình ghi công các liệt sĩ trên cả nước là những ngọn đuốc luôn thắp sáng chiến công và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; hơn 100 triệu con tim người Việt là nguồn tình cảm dạt dào, thấm đẫm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” dành cho những người có công với nước.

Tại Hà Nội, công tác chăm sóc người có công là nội dung quan trọng trong các hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Minh Hoàng, ngay từ đầu năm 2025, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 6-4-2025 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trên cơ sở đó, các sở, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch để triển khai và tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa theo lĩnh vực và nhiệm vụ được giao.

Năm 2025, toàn thành phố dự kiến: Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 21.870 triệu đồng; tặng 1.102 Sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức thấp nhất 3 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 149 hộ gia đình người có công. Phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất. Đặc biệt, trong giai đoạn mới thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, dù bận nhiều công việc nhưng các địa phương đã làm tốt việc thăm hỏi, tặng quà, thực hiện chế độ chính sách với người có công, đảm bảo chu đáo, hiệu quả, thiết thực.

Có thể nói, công tác chăm sóc người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là biểu hiện sinh động của văn hóa và lòng biết ơn dân tộc. Tri ân người có công không chỉ là sự ghi nhận quá khứ mà còn là động lực vun đắp tương lai - xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái, nghĩa tình và công bằng. Đó cũng là cách để khơi dậy tinh thần yêu nước, hun đúc khát vọng cống hiến vì một đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025): Tỏa sáng ngọn đuốc tri ân

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.