Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, chia sẻ về sự quan tâm đặc biệt của Hà Nội trong công tác này.
Không ngừng hoàn thiện, nâng cao chế độ chính sách
- Ông có thể cho biết về công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn Thủ đô hiện nay?
- Hiện nay, thành phố đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với gần 800.000 thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng (sau đây gọi chung là người có công - PV), trong đó có hơn 76.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Trong công tác chăm sóc người có công, Hà Nội coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội thực hiện công tác này luôn được chú trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, lan tỏa nghĩa tình tri ân.
6 tháng đầu năm, các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công thành phố đã triển khai điều dưỡng tập trung với 8.043 lượt người có công. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công 6 tháng đầu năm của thành phố là 2.237 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 76.462 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.658 tỷ đồng.
- Theo ông, đâu là dấu ấn thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân Thủ đô đối với người có công và thân nhân?
- Dấu ấn đặc biệt đó là Hà Nội luôn quan tâm xây dựng các chế độ chính sách đặc thù, với mức cao hơn chuẩn chung của cả nước. Mới đây, ngày 29-4-2025, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐND quy định chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND về việc tặng quà đối với đối tượng hưởng chính sách người có công nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
Đáng chú ý, với Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐND, từ ngày 1-7-2025, người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của thành phố Hà Nội được hưởng thêm mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trích ngân sách thành phố thực hiện 4 chính sách đặc thù đối với người có công và thân nhân: Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công thuộc đối tượng điều dưỡng hai năm một lần; thực hiện hỗ trợ tiền ăn và chi khác đối với người có công tại các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin thành phố, với mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng/người; hỗ trợ tiền khám sức khỏe khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với mức 1 triệu đồng/người; hỗ trợ tiền mai táng khi người có công từ trần.
Với việc không ngừng quan tâm xây dựng, hoàn thiện các chính sách đặc thù, có thể nói, chế độ ưu đãi dành cho người có công trên địa bàn ngày càng được mở rộng và mức thụ hưởng không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống của người có công.
Phát huy hiệu quả công tác người có công với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
- Thưa ông, triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, công tác thực hiện chế độ ưu đãi dành cho người có công có những điều chỉnh như thế nào để bảo đảm tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng?
- Trước thời điểm 1-7-2025, Sở Nội vụ đã sớm ban hành hướng dẫn quản lý, thực hiện công tác kế toán, bàn giao tiếp nhận tài chính, tài sản, ngân sách trung ương thực hiện chính sách ưu đãi người có công khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, ban hành hướng dẫn UBND cấp cơ sở điều chỉnh dự toán, tiếp tục chi kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công theo dự toán năm 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao đến khi có quyết định điều chỉnh, bổ sung dự toán của cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, thành phố đã thực hiện tạm ứng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi tháng 6 và tháng 7-2025 cho người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Vì vậy, việc chi trả chế độ ưu đãi đối với người có công được bảo đảm ổn định, không bị gián đoạn khi các đơn vị hành chính mới chính thức hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Hiện nay, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các phường, xã thực hiện điều chỉnh, cập nhật lại danh sách đối tượng người có công hưởng trợ cấp hằng tháng theo địa giới hành chính mới. Chúng tôi cũng đẩy nhanh tiến độ phân bổ dự toán kinh phí ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cho các phường, xã sau khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, điều chỉnh dự toán và phân bổ dự toán sau điều chỉnh ngân sách nhà nước năm 2025 đối với ngân sách thành phố và ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…
- Trong những ngày tháng 7 này, các hoạt động "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" đang được các cấp, ngành tích cực triển khai. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn các hoạt động tri ân người có công của thành phố trong dịp này cũng như thời gian tới?
- Theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) của UBND thành phố Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 21,87 tỷ đồng, tặng 1.102 Sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức thấp nhất là 3 triệu đồng/sổ tiết kiệm); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 149 hộ gia đình người có công... Tổng kinh phí tặng quà người có công dịp kỷ niệm 27-7 năm nay của Hà Nội dự kiến là 190,242 tỷ đồng, được bảo đảm từ nguồn ngân sách theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác…
Đến thời điểm này, tuy chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ, nhưng các chỉ tiêu này nhiều khả năng sẽ được hoàn thành vượt mức. Bởi liên tục trong những tháng vừa qua, Hà Nội luôn đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, thường xuyên tổ chức thăm, gặp mặt và tặng quà người có công, các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh. Cùng với đó, thành phố triển khai các đoàn đi thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ nhân ngày 27-7. Hà Nội cũng làm tốt việc rà soát, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ. Đồng thời, thành phố tiếp tục hướng dẫn thực hiện kế hoạch điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công, xây dựng Kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2026 và giai đoạn 3 năm (2026-2028) đối với ngân sách thành phố và ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công.
Về phía Sở Nội vụ, phát huy vai trò tham mưu với UBND thành phố về thực hiện chính sách đối với người có công, Sở tiếp tục rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng; phối hợp thực hiện tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Tất cả nhằm lan tỏa nghĩa tình tri ân, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.