Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026: Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Không ngừng đáp ứng sự hài lòng của người dân; Vi phạm đê điều ngày càng phức tạp: Cần xử lý kiên quyết, mạnh mẽ hơn; Phường Hà Cầu (quận Hà Đông): Nỗ lực hơn để chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Dự án đường nối Mễ Trì - Đỗ Đức Dục: Đừng tiếp tục “lỡ hẹn”… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 31-3-2025.
Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026:
Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7-2025 đến hết 31-12-2026, trong đó bổ sung một số nhóm hàng hóa như xăng, dầu, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin… vào đối tượng được giảm thuế.
Theo Bộ Tài chính, đây là những hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sản xuất, tiêu dùng trực tiếp. Đặc biệt, xăng, dầu mặc dù thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuộc danh mục sản phẩm khai khoáng, nhưng là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Giá xăng, dầu tăng hoặc giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.
TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhìn nhận, giảm thuế giá trị gia tăng là chính sách rất thiết thực. Chính sách này giúp kéo giảm mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường, qua đó hỗ trợ kích cầu, góp phần kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế.
Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội:
Không ngừng đáp ứng sự hài lòng của người dân
Hơn 4 năm thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến, đẩy mạnh chuyển đổi số để đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Thời gian qua, từ thành phố đến cơ sở nỗ lực triển khai các nội dung của công tác cải cách hành chính và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Kết quả rõ nét mang lại sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU là thành phố đã đổi mới cơ chế tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phi địa giới hành chính, nâng cao sự minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ; hướng tới xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã triển khai tổ chức 12 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Vi phạm đê điều ngày càng phức tạp: Cần xử lý kiên quyết, mạnh mẽ hơn
Dù các cấp, các ngành đã chỉ rõ sai phạm, có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng một số địa phương vẫn để phát sinh vụ việc, chưa xử lý dứt điểm vi phạm. Tình hình vi phạm tại các bãi sông của Hà Nội diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số bãi sông, kiểm soát viên đê điều Hà Nội còn bị hành hung, đe dọa an toàn tính mạng trong khi thực thi công vụ.
“Để ổn định tinh thần, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi rất mong Công an thành phố Hà Nội cơ sở quận Bắc Từ Liêm, Công an phường Thượng Cát điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng hành hung anh N.T.T...”, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 4 Vũ Văn Ảnh kiến nghị.
Phường Hà Cầu (quận Hà Đông):
Nỗ lực hơn để chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Là địa bàn thuộc khu vực trung tâm của quận Hà Đông nên nhiều tuyến phố ở phường Hà Cầu đã trở thành địa điểm kinh doanh lý tưởng, thường xuyên tấp nập người từ sáng sớm đến tối khuya.
Tại phố Nguyễn Viết Xuân (đoạn từ hồ Đầm Khê đến khu đấu giá quyền sử dụng đất phường La Khê trên địa bàn phường Hà Cầu), hầu hết vỉa hè, lòng đường đều bị lấn chiếm bày bán hàng hóa, kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn nan giải. Chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, phường đã triển khai duy trì phân công lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị tại 5 tuyến phố chính và xử lý theo nội dung phản ánh của công dân trên ứng dụng iHanoi.
Dự án đường nối Mễ Trì - Đỗ Đức Dục: Đừng tiếp tục “lỡ hẹn”
Dự án đường nối phố Mễ Trì - phố Đỗ Đức Dục đã "lỡ hẹn" tiến độ hơn 10 năm. Đường sá dở dang, hệ thống chiếu sáng tạm bợ, người dân không thể mua bán, cũng không được xây, sửa nhà khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Th., người dân thuộc một trong những hộ thuộc diện di dời cho biết: "Dự án chậm tiến độ khiến sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn. Ngôi nhà ngày càng xuống cấp nhưng chúng tôi không thể sửa chữa hoặc xây mới nên cuộc sống lúc nào cũng tạm bợ. Tôi mong dự án sớm được triển khai để ổn định cuộc sống".
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm trình UBND quận Nam Từ Liêm, nguyên nhân chậm triển khai dự án là dù các bước thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đều tuân thủ các trình tự theo quy định nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ chưa được phê duyệt phương án bồi thường với các lý do: Có diện tích còn lại sau thu hồi đất không đủ điều kiện xây dựng nhà ở; sử dụng ngõ đi chung; chưa đồng ý với dự thảo phương án với lý do không có tái định cư, giá bồi thường hỗ trợ thấp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.