Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 24-9-2024

Chí Kiên 24/09/2024 - 06:09

Hướng tới chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024: Sẵn sàng cho một mùa giải thành công; Phát triển bền vững ngành logistics: Tận dụng thời cơ để gia tăng xuất khẩu; Sông Hồng với tương lai bền vững của Hà Nội; Chưa hết nỗi lo an toàn thực phẩm trường học; Sau mưa lũ, tuyệt đối không ăn thịt gia súc, gia cầm chết; Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2,5 (đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A): Nhiều “nút thắt” cần sớm tháo gỡ… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 24-9-2024.

Hướng tới chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024: Sẵn sàng cho một mùa giải thành công

Ngày 23-9, tại trụ sở Báo Hànộimới (số 44 phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024 đã tổ chức họp báo thông tin về Cuộc thi chung kết giải. Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài; Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Trần Thị Phương cùng đại diện các nhà tài trợ.

cac-van-dong-vien-thi-chung-ket-giai-chay-bao-hanoimoi-mo-rong-lan-thu-49-vi-hoa-binh-nam-2024-quan-dong-da.-anh-ngan-ha.jpg
Các vận động viên thi chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024 quận Đống Đa. Ảnh: Ngân Hà

Chung kết giải chạy được khởi động vào 7h chủ nhật, ngày 29-9-2024, tại đền Bà Kiệu và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, với sự tham dự của hơn 1.000 vận động viên đến từ 30 quận, huyện, thị xã; 20 đơn vị tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Trong đó có hơn 200 vận động viên người nước ngoài thuộc các đại sứ quán, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Phát triển bền vững ngành logistics: Tận dụng thời cơ để gia tăng xuất khẩu

Với tốc độ tăng trưởng ở mức 15%/năm, ngành dịch vụ logistics đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, những yêu cầu mới về phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng thích ứng, tận dụng thời cơ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

boc-xep-hang-hoa-tai-kho-cua-cong-ty-logistics-delta.-anh-nguyen-vinh.jpg
Bốc xếp hàng hóa tại kho của Công ty logistics Delta. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Theo Bộ Công Thương, những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15% với quy mô thị trường 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Năm 2023, Việt Nam nằm tốp 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Sông Hồng với tương lai bền vững của Hà Nội

Hà Nội phải đủ nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất; phải an toàn trước bão to, lũ lớn mới có thể trở thành thành phố sáng tạo, thông minh. Cơn bão số 3 vừa tràn qua Hà Nội, nước sông Hồng một lần nữa lại dâng cao, càng cho thấy vai trò của sông Hồng với Thủ đô hiện tại và tương lai.

quy-hoach-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thu-do-ha-noi-can-phai-bao-ve-moi-truong-an-ninh-nguon-nuoc-cua-song-hong.-anh-quang-thai.jpg
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước của sông Hồng. Ảnh Quang Thái

Quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều đã được thực hiện rất kiên định. “Vụ án đê Yên Phụ” (năm 1995) đã phá bỏ hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép, cũng như xử lý các cán bộ liên quan... Đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.

Chưa hết nỗi lo an toàn thực phẩm trường học

Sau bữa liên hoan Tết Trung thu năm 2024, 72 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) được đưa đến bệnh viện, trong đó 29 em có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài… Vụ việc này xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu lại một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm tại trường học.

doan-kiem-tra-lien-nganh-so-1-ve-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-cua-thanh-pho-ha-noi-kiem-tra-bep-an-tai-mot-truong-hoc-tren-dia-ban-quan-hoan-kiem.-anh-thu-trang.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn tại một trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thu Trang

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học luôn được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học là vô cùng quan trọng bởi có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ. Do đó, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trường học; phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học.

Sau mưa lũ, tuyệt đối không ăn thịt gia súc, gia cầm chết

Mưa bão, ngập lụt diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua không chỉ gây thiệt hại về người mà còn khiến hàng nghìn con gia súc và hàng triệu con gia cầm chết. Trước những lo ngại về an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Đề cập đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người khi ăn thịt gia súc, gia cầm chết, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, gia súc, gia cầm nuôi như: Lợn, gà, vịt… bị ốm, chết vẫn được nhiều người sử dụng làm thức ăn vì tâm lý “tiếc của”. Tuy nhiên, đây là hành động rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2,5 (đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A): Nhiều “nút thắt” cần sớm tháo gỡ

Đã hơn 10 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5, đoạn qua quận Hoàng Mai thực hiện theo Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) mới hoàn thành 95% khối lượng. Đáng nói, đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội cho phép triển khai dự án đối ứng để thu hồi vốn theo hợp đồng, dù dự án đã cắm mốc tại thực địa, cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư... Đây là “nút thắt” khó khăn khiến dự án BT chậm tiến độ.

mot-phan-dien-tich-thuoc-du-an-da-hoan-thanh-giai-phong-mat-bang-nhung-chua-ban-giao-de-nha-dau-tu-trien-khai-thi-cong..jpg
Một phần diện tích thuộc dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao để nhà đầu tư triển khai thi công.

Tìm hiểu được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 (đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A) quận Hoàng Mai được thực hiện dựa trên các điều khoản ký kết tại Hợp đồng BT số 01/2014/HĐBT (tháng 1-2014) và Phụ lục hợp đồng ký năm 2017 giữa bên A - UBND thành phố Hà Nội với bên B - liên danh Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (gọi là nhà đầu tư). Theo hợp đồng, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5, đoạn qua quận Hoàng Mai (Dự án BT), dài 2.061m, tổng mức đầu tư là 1.317 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 24-9-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.