Miễn, giảm, gia hạn thuế với trường hợp bị thiệt hại do bão, lũ: Sự hỗ trợ kịp thời; Lành mạnh hóa thị trường bất động sản; Sau bão lũ, du lịch miền Bắc nỗ lực phục hồi; Bất an với ... xe “hổ vồ”; Tư duy, tầm nhìn mới về phát triển văn hóa Thủ đô… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 20-9-2024.
Miễn, giảm, gia hạn thuế với trường hợp bị thiệt hại do bão, lũ: Sự hỗ trợ kịp thời
Ngoài thiệt hại nặng nề về người, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, ngành Thuế vận dụng chính sách sẵn có về gia hạn thuế, miễn, giảm thuế để thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp thiệt hại do bão. Theo các chuyên gia, chính sách này là sự hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ước tính sơ bộ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 (Yagi) gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ảnh hưởng từ bão số 3 dự báo tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 của cả nước và nhiều địa phương. Tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2024 có thể giảm 0,35%; quý IV-2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
Lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Một lần nữa, những thông tin liên quan đến cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Ngõ Ba (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) lại thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi chỉ có người đấu giá thành công của 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, trong tổng số 68 thửa đất trúng đấu giá. Trước đó (ngày 10-8-2024), kết quả đấu giá ở khu vực này đã khiến thị trường “lên cơn sốt” khi mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Một lô đất ở vị trí “đắc địa” có giá trúng cao nhất là 100,5 triệu đồng/m².
Đáng lưu tâm là 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính đều có giá trúng từ 51,6 triệu đồng đến hơn 55 triệu đồng/m²; còn những lô đất bị bỏ cọc đều có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m². Như vậy, những thông tin dư luận đồn đoán, từng “dậy sóng” ngay sau cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Ngõ Ba hoàn thành, là “có thể có người bỏ cọc” và giá cao làm “nhiễu loạn thị trường” phần nào đã thành sự thật.
Sau bão lũ, du lịch miền Bắc nỗ lực phục hồi
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, trong đó có những trung tâm du lịch lớn của cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai)… Nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, thời điểm này, nhiều địa phương đã, đang tổ chức các hoạt động đón khách du lịch trở lại bình thường.
Tại Hà Nội, công tác khắc phục ảnh hưởng của mưa bão cũng được thực hiện nhanh chóng, với nhiều điểm du lịch đã hoạt động trở lại bình thường. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Đơn vị đã tổ chức chỉnh trang lại cảnh quan, quét dọn rác, dựng lại cây đổ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa và đón khách tham quan trải nghiệm".
Bất an với ... xe “hổ vồ”
Thời gian qua, Báo Hànộimới nhận được phản ánh một số tuyến đường hạn chế tải trọng ở khu vực các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức có nhiều xe tải lớn đi vào, gây bất an cho cuộc sống người dân. Lần theo thông tin, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, vấn đề này không mới, nhưng vì sao vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm?
Trong dòng thông tin “nóng” nhất phản ánh đến Báo Hànộimới phải kể đến thực tế trên 2 tuyến đường tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) là đường Suối Yến thuộc tỉnh lộ 425 và tỉnh lộ 419. Theo đó, ngay cầu bến Yến có biển cấm trọng tải toàn bộ xe vượt quá 10 tấn. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, nhiều xe tải “3 chân”, “4 chân” (xe hãng Howo - người dân thường gọi là xe "hổ vồ") hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Tư duy, tầm nhìn mới về phát triển văn hóa Thủ đô
Việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn. Trong đó, các chuyên gia kỳ vọng, thành phố sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là tư duy, tầm nhìn mới về phát triển văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra những thuận lợi giúp lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới. “Tôi đánh giá rất cao các điều khoản thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.