(HNMO) – Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sẽ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào đầu tháng 4 tới. Niềm vui mới nhen nhóm nhưng nhiều người đã lo ngại về sự biến tướng, lợi dụng di sản để trục lợi của không ít cá nhân, tổ chức.
"Muôn hình vạn trạng" các kiểu biến tướng
“Hầu đồng” (tên gọi dân gian của tín ngưỡng thờ Mẫu) từ lâu đã bị biến tướng, trục lợi, bởi thế, có thời gian, “hầu đồng” không được khuyến khích phổ biến rộng rãi. Khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, rất nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng, nếu như không có sự quản lý, tuyên truyền phổ biến đúng cách, di sản này sẽ bị lợi dụng, biến tướng và làm mất đi giá trị tinh thần đúng đắn.
Việc biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lo ngại (ảnh minh họa). |
Mỗi lo lắng này quả là có cơ sở khi gần đây, hầu đồng đã trở nên phổ biến và được biểu diễn ở rất nhiều nơi với nhiều cách thức biến dạng, như: tại hội chợ, trong một số lễ hội và được trình diễn tràn lan tại nhiều chùa. Điển hình, tại một lễ hội ở Lạng Sơn, hầu đồng được trình diễn như một thứ hàng hóa mà ở đó, khách du lịch đua nhau nhét tiền vào ngực “cô đồng”, gây nên một hình ảnh phản cảm, phi văn hóa khiến nhiều người bức xúc. Tại Lễ hội Lim 2017, trên thuyền quan họ, thay vì các liền anh liền chị biểu diễn quan họ giao duyên - vốn là đặc sản của vùng Kinh Bắc, thì họ lạị phá vỡ giao ước với BTC để biểu diễn hát văn, nhảy đồng khiến lễ hội ít nhiều mất đi bản sắc riêng.
Mới đây, các cư dân mạng xã hội lại lan truyền đoạn clip về một cảnh hầu đồng nhưng bị làm cho biến dạng khi mà những người biểu diễn vừa nhảy múa, vừa hát quốc ca và chữa bệnh. Clip này đã nhận được sự phản ứng gay gắt trong dư luận, bởi đó là sự mạo danh tín ngưỡng thờ Mẫu một cách trắng trợn của những kẻ “buôn thần bán thánh”. Nguy hại hơn, sự mạo danh ấy góp phần khiến cho nhiều người có cái nhìn sai lệch về tín ngưỡng thờ Mẫu, về nét đẹp của đạo Mẫu mà người Việt sùng bái từ bao đời nay.
Để cộng đồng và người thực hành tín ngưỡng hiểu đúng giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa (ảnh minh họa) |
Biến tướng của hầu đồng được nói đến rất nhiều, bởi đi cùng biến tướng là sự trục lợi, kinh doanh, lừa lọc, gây hoang mang về lòng tin. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất nhiều chuyện bi hài về những “cô đồng”, “bà đồng” với cách hành lễ sai chuẩn mực, những điệu nhảy đồng phản cảm, cách ứng xử trước ban thờ Mẫu không đúng quy cách, hát Văn sai điệu thức... Gần đây, “hầu đồng” lại bị thương mại dưới hình thức sân khấu hóa hoặc được thực hiện tràn lan ở nhiều chùa – chốn thờ Phật vốn cần sự thanh tịnh, tôn nghiêm. Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, mặc dù các chùa đều có ban thờ Mẫu riêng nhưng việc tổ chức hầu đồng ở một số chùa là không phù hợp. Tuy nhiên, việc lập danh sách những chùa nào được phép tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì đến nay, các nhà nghiên cứu khoa học và cơ quan quản lý vẫn còn khá lúng túng và chưa thể đưa ra câu trả lời.
Xử lý nghiêm nếu phát hiện biến tướng
Trong buổi họp báo thực hành “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, hiện nay, các nhà quản lý đang rất lo lắng và “đau đầu” về các loại hình biến tướng của “hầu đồng”. Bộ VH,TT&DL đang xây dựng một chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2017 – 2022 để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra một số biện pháp để tránh những biến tướng của nghi lễ lên đồng, đó là: cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã; tuyên truyền phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong “Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ"; tuyên truyền phổ biến kiến thức về di sản tới cộng đồng…
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, cơ quan quản lý khuyến khích cộng đồng phát hiện những hiện tượng biến tướng. Cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền, lợi dụng niềm tin vào thần thánh để cổ súy cho những hoạt động mê tín dị đoan, ảnh hưởng tới đời sống tâm linh của người dân.
Về việc xử phạt biến tướng, trục lợi di sản, đại diện Thanh tra Bộ cho biết thêm, hiện nay, nghị định 158 của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2008 đang được chỉnh sửa, bổ sung, trong đó có điều 23 và điều 25 về xử phạt hành chính đối với những biến tướng trong di sản văn hóa phi vật thể. Điều đó cho thấy, vấn đề di sản đang được các cơ quan quản lý quan tâm và những hành vi vi phạm luật bảo vệ di sản sẽ bị xử lý "mạnh tay".
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sẽ được vinh danh trong lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào đầu tháng 4 tới. Mặc dù đây là tín hiệu vui đối với Việt Nam vì có thêm một loại hình diễn xướng dân gian được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng rõ ràng, di sản này đang rất cần sự chung tay vào cuộc, không chỉ của cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa mà ngay cả các địa phương có di sản này, với những biện pháp, hành động cụ thể để những người thực hành tín ngưỡng và cộng đồng có sự hiểu biết đúng đắn về giá trị và ý nghĩa của di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.